'Bắt mạch' lợi nhuận ngân hàng: Tiếp tục tăng vọt trong quý I/2022 nhưng ưu thế này không còn ở Vietcombank và VietinBank
Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận "khủng" năm 2022
VIB – ngân hàng tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên sớm nhất toàn ngành với mục tiêu lợi nhuận 10.500 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2021.
Không chỉ VIB, nhiều ngân hàng khác cũng khá lạc quan với triển vọng kinh doanh năm nay với những con số tăng trưởng lợi nhuận hai chữ số.
Tại SHB, vào 20/4 tới đây HĐQT nhà băng này sẽ trình Đại hội đồng cổ đông thông qua mục tiêu phát triển kinh doanh năm 2022 với một số chỉ tiêu cơ bản sau: Tổng tài sản tăng trưởng trên 12%; Vốn điều lệ tăng trưởng 36% so với năm 2021.
Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế được ngân hàng này dự kiến đạt được trong năm 2022 tối thiểu là 11.686 tỷ đồng, tăng 87%.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Bản Việt lên kế hoạch tăng 44% lợi nhuận trong năm nay, đạt mức 450 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng hé lộ kế hoạch năm 2022 với lợi nhuận trước thuế 2022 tăng 127% so với kết quả năm 2021, tương đương khoảng 2.500 tỷ đồng.
Hay như tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB), nhà băng này tiết lộ kế hoạch kinh doanh năm 2022 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế 6.800 tỷ đồng - tương đương tăng trưởng 30%, tăng trưởng tín dụng ở mức trên 20% tùy vào sự phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước, quy mô tài sản đạt 230.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, tại các "ông lớn" Big4 kế hoạch lợi nhuận có phần khiêm tốn hơn so với các ngân hàng cổ phần, nhưng nếu nhìn về quy mô tuyệt đối về tăng trưởng thì đó đều là những con số "khủng".
Chẳng hạn như tại Vietcombank, tại hội nghị triển khai công tác hoạt động kinh doanh năm 2022, ban lãnh đạo ngân hàng cho biết ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế đạt 12%, tương đương hơn 30.600 tỷ đồng, đây tiếp tục là con số lợi nhuận cao kỷ lục trong toàn hệ thống.
Một "ông lớn" khác là Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn với kỳ vọng lợi nhuận riêng lẻ và hợp nhất trước thuế tăng 10% - 20%. Với mức này lợi nhuận trước thuế kế hoạch dao động trong khoảng 19.348 - 21.107 tỷ đồng.
Tăng trưởng lợi nhuận quý I chỉ từ 9 – 11%: Lỗi tại 2 "ông lớn"
Trong báo cáo vừa phát hành ngày 25/3, nhóm phân tích tại Chứng khoán SSI nhìn nhận, dựa vào kế hoạch sơ bộ của các ngân hàng, SSI nhận thấy tăng trưởng lợi nhuận trước thuế có thể đạt khoảng 24% - 25% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nếu chỉ tính trong quý I/2022, tăng trưởng lợi nhuận sẽ có sự phân hóa rõ nét.
Cụ thể, theo ước tính của SSI, mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế bình quân quý này chỉ đạt khoảng 9% -11%. Mức tăng trưởng tương đối thấp so với cùng kỳ này phần lớn là do hai ngân hàng là VietinBank và Vietcombank được dự báo có lợi nhuận giảm từ nền so sánh cao trong cùng kỳ năm 2021.
Trong khi đó, các ngân hàng còn lại có thể đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế bình quân khoảng 25% - 27% so với cùng kỳ.
"Con số này cao hơn so với kỳ vọng trước đây của chúng tôi do VPBank đã gia hạn Thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm với AIA cùng với một khoản phí trả trước bổ sung, giúp ngân hàng có thể đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận tốt trong Q1/2022", báo cáo nêu rõ.
Mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế cao nhất được kỳ vọng trong quý I/2022 tại SHB, STB, MSB, VPB và LPB.
Đề cập về các yếu tố chính giúp các ngân hàng đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trong kỳ này, SSI chỉ ra 3 yếu tố.
Thứ nhất, tín dụng tăng trưởng mạnh từ 15% -16% so với cùng kỳ. Theo quan sát, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu dao động trong khoảng 2%-10% so với đầu năm. Một số ngân hàng đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn quý I//2021 bao gồm CTG, BID, MBB, HDB và TPB.
Hai là, NIM ổn định so với quý trước.
Trong khi HDB, VPB và TCB tăng lãi suất huy động từ 10 - 20 điểm cơ bản thì các ngân hàng khác không có sự thay đổi. Một số ngân hàng vẫn còn dư địa để tối ưu hóa hệ số LDR (tỷ lệ Dư nợ tín dụng/Vốn huy động) và duy trì NIM ổn định trong kỳ.
Ba là, nợ xấu và các khoản cho vay tái cơ cấu được kiểm soát tốt.
Do các ngân hàng đã tích cực xử lý nợ xấu và củng cố bộ đệm dự phòng rủi ro tín dụng mạnh mẽ trong quý cuối cùng của năm 2021, nợ xấu và các khoản cho vay tái cơ cấu không có quá nhiều biến động trong quý I/2022.
Cùng với đó, các khoản cho vay tái cơ cấu bắt đầu có xu hướng giảm ở một số ngân hàng (VCB, ACB), và tỷ lệ nợ xấu được giữ ở mức tương đối ổn định so với quý trước. Điều này có thể khiến áp lực trích lập dự phòng không quá nặng nề trong 3 tháng đầu năm.