Betolar ký thỏa thuận với Công ty Trung Hiếu cung cấp giải pháp vật liệu thay thế xi măng
Betolar và Công ty CP Phát triển Trung Hiếu đã ký thỏa thuận thương mại sử dụng giải pháp Geoprime trong sản xuất các sản phẩm với hàm lượng khí thải thấp dựa trên nền kinh tế tuần hoàn, hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang các công trình và cơ sở hạ tầng xanh. Đây là thỏa thuận đầu tiên của Betolar tại thị trường Việt Nam. Betolar là công ty công nghệ vật liệu Phần Lan. Công ty CP Phát triển Trung Hiếu là đơn vị sản xuất gạch bê tông Việt Nam.
"Việt Nam là đất nước sản xuất xi măng lớn thứ ba và là nước tiêu thị xi măng lớn thứ tư trên thế giới, với 85 triệu tấn tiêu thụ hàng năm. Trước tiềm năng mạnh mẽ của vật liệu thay thế xi măng, chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ mang lại các cơ hội thương mại đáng kể cho Betolar trong những năm sắp tới." ông Juha Pinomaa, Giám đốc Kinh doanh Khu vực Châu Á của Betolar chia sẻ.
Sở hữu nhà máy tại tỉnh Đồng Nai, Trung Hiếu hiện phục vụ thị trường xây dựng đang tăng trưởng mạnh mẽ tại TP.HCM. Trung Hiếu là nhà sản xuất gạch bê tông và gạch lát sân nền vỉa hè, với năng lực sản xuất 100 triệu viên/năm tương đương với 120.000 tấn/năm. Dựa trên thỏa thuận, Trung Hiếu sẽ có quyền sử dụng giải pháp Geoprime trong hoạt động sản xuất các sản phẩm bê tông với thời hạn 5 năm. Ngoài ra, Trung Hiếu cũng có quyền sử dụng nhãn hiệu đăng ký Geoprime cho các sản phẩm được sản xuất phù hợp với khái niệm này.
Theo đó, Trung Hiếu sẽ nhận được nhiều giá trị từ hoạt động phát triển sản phẩm, dịch vụ chuyên nghiệp và dữ liệu hỗ trợ trong quá trình sản xuất sản phẩm liên tục của Betolar.
Bà Luyên Nguyễn, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Trung Hiếu cho biết, Trung Hiếu sẽ hợp tác cùng Betolar để chuyển toàn bộ hoạt động sản xuất sang các sản phẩm bê tông với hàm lượng carbon thấp trong năm 2023.
Việt Nam đang tích cực tìm kiếm các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, hạn chế việc sử dụng đất nông nghiệp để sản xuất vật liệu xây dựng, đồng thời đáp ứng nhu cầu đô thị hóa và gia tăng dân số đang diễn ra quá nhanh. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng đang thúc đẩy sự chuyển dịch từ gạch đất sét nung sang vật liệu xây không nung nhằm mục tiêu chuyển 40-45% của tổng số 26 tỷ viên gạch xây dựng sang gạch bê tông vào năm 2030.
"Ngành công nghiệp thép và năng lượng Việt Nam sản xuất ra lượng lớn xỉ thép và tro bay có thể được sử dụng cho bê tông Geoprime. Bằng việc cung cấp một giải pháp thay thế xi măng, chúng tôi có thể góp phần làm tăng nền kinh tế luân chuyển của địa phương và đẩy nhanh quá trình phát triển bền vững của Việt Nam." - ông Juha Pinomaa cho biết thêm.
Trung Hiếu là một trong những công ty tiên phong trong lĩnh vực sản xuất gạch bê tông tại Việt Nam. Theo đó, công nghệ geopolymer từ Betolar cho phép Trung Hiếu sản xuất với lượng khí thải CO2 ít hơn đến 80% đối với nguyên liệu thô và có thể tận dụng các nguồn phụ công nghiệp tại địa phương. Ở Việt Nam, sản xuất vật liệu địa phương rất quan trọng do cơ sở hạ tầng đường bộ vẫn đang phát triển, dẫn đến chi phí vận chuyển giữa các thành phố cao.