Bị FBI điều tra gián điệp công nghệ, hàng ngàn nhà nghiên cứu Trung Quốc rời Mỹ

03/12/2020 11:07 GMT+7
Tờ Reuters hôm 2/12 dẫn lời các quan chức an ninh hàng đầu nước Mỹ cho hay hàng ngàn nhà nghiên cứu Trung Quốc đã rời Mỹ trong bối cảnh Washington tiếp tục siết chặt các cáo buộc đánh cắp bí mật công nghệ.
Bị FBI điều tra gián điệp công nghệ, hàng ngàn nhà nghiên cứu Trung Quốc rời Mỹ - Ảnh 1.

Một nhân viên Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston xếp đồ đạc rời đi sau khi Mỹ tuyên bố đóng cửa cơ sở này

John Demers, Giám đốc Bộ phận An ninh Quốc gia trực thuộc Bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố tại một cuộc thảo luận do Viện nghiên cứu Aspen tổ chức, rằng hàng ngàn nhà khoa học Trung Quốc đã rời Mỹ khi cơ quan này khởi xướng loạt vụ án hình sự liên quan đến gián điệp công nghệ.

Nguồn tin từ một quan chức Bộ Tư pháp Mỹ cho hay khoảng 1.000 nhà nghiên cứu khoa học Trung Quốc đã rời Mỹ sau khi FBI khởi động kế hoạch thẩm vấn nghi ngờ gián điệp tại hơn 20 thành phố trên toàn nước Mỹ. Theo Reuters, đa số những người này đều bị cáo buộc có liên hệ với quân đội Trung Quốc.

Vào tháng 7 qua, Mỹ đã tuyên bố đóng cửa Tổng lãnh sự quán của Trung Quốc ở Houston, Texas. Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus, chỉ thị đóng cửa tổng lãnh sự quán Trung Quốc Houston nhằm mục đích bảo vệ tài sản trí tuệ và thông tin cá nhân của công dân Mỹ. Động thái này đến ngay sau loạt phát biểu của các quan chức chính quyền Trump về việc Trung Quốc sử dụng gián điệp và các cuộc tấn công mạng để đánh cắp tài sản trí tuệ từ các doanh nghiệp Mỹ. Giám đốc FBI Christopher Wray thậm chí còn ví những vụ tấn công mạng này đã gây ra một trong những vụ chuyển nhượng tài sản (trí tuệ) lớn nhất trong lịch sử loài người (một cách bất hợp pháp).

Hai tháng sau đó, tháng 9/2020, Bộ ngoại giao Mỹ tiếp tục thực hiện thu hồi thị thực hàng ngàn sinh viên và nhà khoa học Trung Quốc bị nghi ngờ là mối đe dọa với an ninh quốc gia Mỹ theo lệnh của Tổng thống Donald Trump. Sự việc khi đó đã làm dấy lên những bình luận phản đối từ Bắc Kinh, khiến căng thẳng tiếp tục leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trung Quốc khi đó cáo buộc hành động hủy thị thực này là một cuộc “đàn áp chính trị trần trụi”, vi phạm nghiêm trọng vấn đề nhân quyền và mang tính phân biệt chủng tộc.

“Chỉ người Trung Quốc mới có đủ nguồn lực và khả năng” tham gia vào những hoạt động gây ảnh hưởng ở nước ngoài mà các cơ quan điều tra Mỹ đã phát hiện trong những năm gần đây, ông John Demers nhấn mạnh. Mỹ đã nhiều lần khởi tố các vụ việc trong đó một nhà khoa học hay công dân Trung Quốc cố tình ăn cắp bí mật thương mại, công nghệ của doanh nghiệp Mỹ trong thời gian làm việc tại Mỹ.

Còn William Evanina, giám đốc bộ phận phản gián trực thuộc cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ thì cảnh báo rằng các đặc vụ gián điệp Trung Quốc đã bắt đầu nhắm vào đội ngũ chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Joe Biden.

Vấn nạn trộm cắp tài sản sở hữu trí tuệ từ lâu đã là một trong những mâu thuẫn thương mại cốt lõi giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Tổng thống Donald Trump nhiều lần chỉ trích Chính phủ Trung Quốc về các dự luật, thể chế tạo điều kiện cho những hành vi như vậy, điều gây thiệt hại nặng nề cho các doanh nghiệp Mỹ. 

Năm 2008, chính quyền Trung Quốc đã công bố một kế hoạch thu hút nhân tài nhằm tuyển dụng, kêu gọi các nhà nghiên cứu khoa học quốc tịch Trung Quốc về phục vụ cho đất nước - điều mà Washington cho là một mối đe dọa lớn với an ninh quốc gia Mỹ. Đó cũng là một trong những mâu thuẫn cốt lõi làm bùng lên căng thẳng thương mại Mỹ Trung, mà sau đó phát triển thành thương chiến giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.


NTTD
Cùng chuyên mục