Bình Định: Xuất khẩu thuỷ sản 5 tháng tăng 45,9%, dự báo tiếp tục bứt phá cuối quý II
Cục Thống kê Bình Định đã phát hành Báo cáo Kinh tế - Xã hội tỉnh Bình Định tháng 5/2021. Theo đó, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá tháng 5/2021 đạt 123,6 triệu USD, giảm 21,8% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ; luỹ kế 5 tháng đầu năm 2021 giá trị ước đạt gần 700 triệu USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu thuỷ sản 5 tháng khả quan
Về xuất khẩu, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 5/2021 ước đạt 100,7 triệu USD, giảm 20,2% so với tháng trước và tăng 9,5% so cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 541,7 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu trực tiếp 5 tháng đầu năm 2021 ước đạt 536,3 triệu USD, chiếm 99% kim ngạch xuất khẩu. Các mặt hàng được xuất khẩu đến 83 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc 5 châu lục. Trong đó, Châu Á đạt 244,7 triệu USD, chiếm 45,6%; Châu Âu đạt 142,4 triệu USD, chiếm 26,6%; Châu Mỹ đạt 139,3 triệu USD, chiếm 25,9%.
Chia theo quốc gia, Hồng Kông đạt 56,5 triệu USD, chiếm 10,5%; Nhật Bản đạt 53,4 triệu USD, chiếm 10%; Trung Quốc đạt 51,4 triệu USD, chiếm 9,6%; Đức đạt 46,1 triệu USD, chiếm 8,6%; Anh đạt 21,2 triệu USD, chiếm 4%; Pháp ước đạt 15,9 triệu USD, chiếm 3%.
Giá trị xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm 2021 ước đạt 34,4 triệu USD, tăng 45,9% so với cùng kỳ. Hoa Kỳ, Mê-hi-cô, I-xra-en và Hà Lan là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản của tỉnh trong 5 tháng đầu năm 2021, chiếm 56,6% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.
Cục Thống kê Bình Định cho biết, tình trạng thiếu hụt container được cải thiện và Trung Quốc cũng nới lỏng kiểm soát dịch bệnh trên hàng hóa nhập khẩu, do vậy xuất khẩu thủy sản có nhiều khả quan hơn.
Đại dịch Covid - 19 sẽ chi phối xu hướng xuất khẩu thuỷ sản
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 5/2021 ước đạt 22,9 triệu USD, giảm 28,3% so với tháng trước và tăng 2,5% so cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước đạt 158,2 triệu USD, tăng 31% so cùng kỳ. Trong đó, nhập khẩu nguyên liệu dùng cho chế biến thủy sản ước đạt 23 triệu USD, tăng 66,7%.
Các nhà chuyên môn của Bình Định cho rằng, làn sóng Covid mới dữ dội tại các nước Châu Á đang là mối đe dọa cho giao thương thủy sản vốn chưa thoát khỏi hệ lụy của tình trạng thiếu container, thiếu tàu để xuất, nhập khẩu, cước phí vận chuyển tăng gấp nhiều lần.
Dù vậy, với sự nỗ lực nắm bắt kịp thời thông tin về xu hướng, biến động thị trường, linh hoạt điều chỉnh cơ cấu sản phẩm, thị trường, các doanh nghiệp thủy sản tiếp tục bứt phá về kim ngạch xuất khẩu trong những tháng cuối quý II/2021.
Bình Định dự báo, trong quý II/2021, ngành thủy sản có nhiều khả quan hơn, nhưng ngành thủy sản vẫn còn chịu tác động bởi đại dịch COVID-19, là yếu tố chính chi phối xu hướng xuất khẩu thủy sản. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể duy trì thế mạnh cạnh tranh về nguồn cung nguyên liệu so với các nước khác.
Báo cáo Kinh tế - Xã hội cũng cho biết, xuất khẩu sản phẩm gỗ 5 tháng ước đạt 206,3 triệu USD, tăng 45,8% so cùng kỳ; Nhóm hàng gạo ước đạt 33,2 triệu USD, tăng 14% so cùng kỳ; Hàng sắn và sản phẩm từ sắn ước đạt 13,7 triệu USD, tăng 9,5% so cùng kỳ, chủ yếu xuất khẩu tinh bột sắn, thị trường xuất khẩu phụ thuộc vào Trung Quốc; Quặng và khoáng sản khác ước đạt 22,9 triệu USD, tăng 8,6% so cùng kỳ chủ yếu xuất khẩu quặng ti tan;
Sản phẩm từ chất dẻo ước đạt 86,1 triệu USD, tăng 70,5% so cùng kỳ, do các công ty sản xuất bàn ghế nhựa giả mây nhiều.
Bên cạnh đó một số mặt hàng kim ngạch xuất khẩu giảm như hàng dệt may ước đạt 57,6 triệu USD, giảm 14,4% so cùng kỳ; Giày dép da các loại ước đạt 2,1 triệu USD, giảm 1,1% so cùng kỳ; Mặt hàng gỗ ước đạt 80,2 triệu USD, giảm 12,1% so cùng kỳ (do cùng kỳ dăm xuất khẩu đột biến)...
5 tháng đầu năm, Bình Định cũng đã nhập khẩu nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc ước đạt 24,6 triệu USD, tăng 38,9%; nguyên liệu dùng cho ngành dệt, may, giày dép ước đạt 32,3 triệu USD, tăng 67,8% so cùng kỳ; phân bón ước đạt 9,2 triệu USD, tăng 63,7% so cùng kỳ; máy móc thiết bị dùng cho sản xuất ước đạt 29,6 triệu USD, tăng 31,2%.