Bình Dương có thu nhập bình quân cao nhất, nhưng…
Tổng cục Thống kê vừa công bố kết quả sơ bộ khảo sát mức sống dân cư năm 2020. Cuộc khảo sát được tiến hành trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố, bao gồm 46.995 hộ gia đình đại diện.
Không phải Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương là tỉnh có thu nhập bình quân cao nhất
Theo đó, thu nhập bình quân năm 2020 đạt khoảng 4,23 triệu đồng/người/tháng, giảm khoảng 2% so với năm 2019. Tuy nhiên, trong thời kỳ 2016-2020, thu nhập bình quân đầu người/tháng tăng bình quân 8,1%.
Phân theo khu vực, thu nhập bình quân ở thành thị đạt 5,538 triệu đồng/người/tháng, cao gấp gần 1,6 lần nông thôn.
Nhóm hộ giàu nhất (gồm 20% dân số giàu nhất) có thu nhập bình quân đạt 9,108 triệu đồng/người/tháng, cao gấp hơn 8 lần so với nhóm hộ nghèo nhất (gồm 20% dân số nghèo nhất).
Kết quả khảo sát cũng cho thấy Đông Nam Bộ là vùng có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước, đạt 6,023 triệu đồng/người/tháng), cao gấp 2,2 lần vùng có thu nhập bình quân thấp nhất.
Xét theo địa phương, thu nhập bình quân của tỉnh Bình Dương cao nhất, đạt 7,019 triệu đồng/người/tháng, hơn mức thu nhập bình quân của TP.HCM (6,537 triệu đồng/người/ tháng) và ở Hà Nội (5,981 triệu đồng/người/tháng).
Tiếp đến là các tỉnh, thành phố Đồng Nai, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Hải Phòng.
Nhất Bình Dương, nhưng….
Đề cập về vấn đề này, ông Huỳnh Thế Du - Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho biết, số liệu có sẵn từ năm 1995 đến 2020 cho thấy, dân số Bình Dương đã tăng hơn 260%, cao gấp gần ba lần địa phương liền kề là Kon Tum và gấp hơn hai lần các địa phương xếp thứ 3 và thứ 4 (TP.HCM và Bình Phước).
Bình Phước là "người anh em" được tách ra của Bình Dương, cho dù khó khăn nhưng vẫn thu hút được rất nhiều người đến lập nghiệp, nhất là một thập niên sau khi tách tỉnh.
Dân số tăng nhanh, cùng với đó theo thống kê mới nhất Bình Dương đang là tỉnh dẫn đầu cả nước về thu nhập bình quân của người dân – một trong những chỉ tiêu có ý nghĩa quan trọng nhất.
Theo tính toán, với 7 triệu đồng/người/tháng, thu nhập bình quân của Bình Dương cao hơn TP.HCM 7,4%, Hà Nội 17,3%, Đồng Nai 24,8%, Bắc Ninh 29%, Đà Nẵng 32,8%, Hải Phòng 24,8% và Cần Thơ 39,5%.
Về chênh lệch giàu nghèo, khoảng cách giữa nhóm thu nhập cao nhất và nhóm thấp nhất của Bình Dương chỉ là 4,21, xếp thứ 9 cả nước. Trong nhóm 10 địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất, Bình Dương xếp sau TP.HCM, Đồng Nai và Hải Phòng về chênh lệch giàu nghèo.
Để có được kết quả này, theo ông Du là do những cá nhân, tổ chức tiêu biểu đã tạo nền móng và có vai trò quan trọng cho sự phát triển của Bình Dương có thể kể đến: Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Becamex gắn với đối tác Singapore trong tổ chức phát triển KCN Việt Nam – Singapore hay như Thanh Lễ của đại gia Dũng Lò vôi.
Nhấn mạnh rằng, kết quả đạt được của Bình Dương trong thời gian qua quả là ấn tượng và đáng ngưỡng mộ so với cả nước, nhưng vị chuyên gia này cũng lưu ý, kết quả này "không thấm tháp gì" nếu so với Trung Quốc.
Cụ thể, GDP/người vào năm 2020 của Trung Quốc là 10.261 USD, trong khi con số của Bình Dương chỉ vào khoảng 6.500 USD, còn nếu lấy con số cập nhập của Việt Nam theo tính toán của IMF là 3.500 USD.
"Như vậy, nếu cả nước đều đạt được kết quả như Bình Dương thì bằng khoảng 2/3 của Trung Quốc và kết quả thực tế chỉ hơn 1/3. Statisca đã cập nhật số liệu từ IMF cho thấy, năm 1985 GDP/ người của Việt Nam và Trung Quốc lần lượt là 318 và 293 USD; hai con số của năm 2020 lần lượt là 3.497 và 10.493. Đây là điều rất đáng suy ngẫm đối với Việt Nam", ông Du nhấn mạnh.
Cũng lưu ý rằng, Trung Quốc đã áp dụng chính sách 1 con từ năm 1979. Chính sách 1 con của Trung Quốc chỉ mới được thay đổi vào năm 2015.
Trong một dự báo của IMF đã chỉ ra rằng, trong năm bùng nổ đại dịch Covid-19 2020, chỉ 4 nền kinh tế có tăng trưởng GDP trên đầu người gồm Trung Quốc, Việt Nam, Đài Loan và Ai Cập.
Báo cáo cũng ghi nhận sự nhảy vọt tập trung tại khu vực Đông Âu và châu Á, trong đó nổi bật nhất là Armenia, Georgia, Việt Nam và Bangladesh. Các nước châu Á đang phát triển nhìn chung có GDP đầu người tăng gấp 6 lần trong 25 năm đầu tiên của thế kỷ này.
Riêng đối với Trung Quốc, một dự báo của chuyên gia kinh tế Rob Subbaraman từ Nomura cho thấy, Trung Quốc có tiềm năng vượt mặt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới (theo quy mô GDP tính bằng đồng USD) vào năm 2028. Trong trường hợp đồng NDT tiếp tục mạnh lên chạm ngưỡng 6 NDT đổi 1 USD, Trung Quốc sẽ sớm vượt mặt Mỹ vào năm 2026.
Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) Anh thì cho rằng, đến năm 2023 Trung Quốc sẽ gia nhập nhóm các nền kinh tế có thu nhập bình quân đầu người cao (được định nghĩa là GDP bình quân đầu người trên 12.536 USD).
Theo đánh giá của giới phân tích, sự thịnh vượng kinh tế là kết quả của việc Trung Quốc đẩy mạnh sự gia tăng thị phần trong chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua định vị bản thân như công xưởng sản xuất của thế giới. Tỷ trọng đóng góp trong tổng sản lượng sản xuất toàn cầu của Trung Quốc đã tăng lên 28% vào năm 2018 và đang có xu hướng tiếp tục tăng lên.
Một cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 11/2020 bởi HSBC Holdings PLC trên 1.100 tập đoàn đa quốc gia cũng chỉ ra rằng, có tới 75% số doanh nghiệp được khảo sát (bao gồm 70% doanh nghiệp Mỹ) có kế hoạch tăng chuỗi cung ứng ở Trung Quốc trong hai năm tới. Trong khi đó, số ít doanh nghiệp có ý định rời khỏi thị trường này.
Như vậy, Trung Quốc đang ngày càng củng cố vai trò của mình như công xưởng sản xuất của thế giới, bất chấp các căng thẳng địa chính trị và cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19?