[Biz Insider] Hé mở Boston Pharma, doanh nghiệp được Bộ Y tế cấp phép thuốc điều trị Covid-19
Mới đây, Cục quản lý Dược, Bộ Y tế đã cấp giấy đăng ký lưu hành có điều kiện cho 3 thuốc điều trị Covid-19 chứa hoạt chất Molnupiravir.
Cụ thể, thuốc kháng virus Molnupiravir 400mg do Công ty TNHH Liên doanh Stellapharm sản xuất; thuốc Molravir 400mg của Công ty CP dược phẩm Boston Việt Nam và thuốc Movinavir của Công ty CP dược phẩm Mekorpha.
Đây là 3 đơn vị đủ điều kiện đã được Bộ Y tế cấp phép sản xuất thuốc Molnupiravir tại Việt Nam. Giấy phép này có hiệu lực trong 3 năm.
Trong danh sách 3 công ty được Bộ y tế cấp giấy lưu hành thuốc điều trị Covid-19 nói trên, ngoại trừ Công ty CP dược phẩm Mekorpha (Hose: MKP) đã niêm yết thông tin trên sàn chứng khoán, được nhiều người biết đến, còn Công ty TNHH Liên doanh Stellapharm và Công ty CP dược phẩm Boston Việt Nam chắc hẳn là cái tên khá xa lạ.
Đặc biệt là Công ty CP dược phẩm Boston Việt Nam (Boston Pharma), doanh nghiệp mang tên theo liên doanh và nhượng quyền từ Boston Pharmaceutical Inc USA.
Hé mở chủ sở hữu của Boston Pharma
Boston Pharma được thành lập vào tháng 11/2007, với tên gọi ban đầu là Công ty Dược phẩm VITAR, do Tổng công ty Dược Việt Nam (Đại diện là Công ty dược Trung ương I) và các Cổ đông cá nhân có kinh nghiệm thâm niên trong ngành Dược phẩm điều hành.
Đến năm 2008, Công ty Dược phẩm VITAR liên doanh với Boston Pharmaceutical Inc. USA, chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần Dược phẩm Boston Việt Nam.
Thông tin công bố trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, tính đến cuối năm 2020, Vốn điều lệ Boston Pharma được nâng từ 150 tỷ lên 200 tỷ đồng. Cổ đông nước ngoài Boston Pharmaceu Tical INC (Hoa Kỳ) sở hữu 5% cổ phần, ông Lương Đăng Khoa sở hữu 37,5%, ông Văn Bá Nam sở hữu 22%.
Đến ngày 20/1/2022, vốn điều lệ của Boston Pharma tăng lên gần 214 tỷ đồng. Doanh nghiệp có địa chỉ trụ sở chính Boston Phar tại số 43, đường số 8, khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, phường Bình Hòa, TP. Thuận An, Bình Dương.
Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật Boston Pharma là ông Lương Đăng Khoa (SN 1957).
Giới thiệu trên Website, Boston Pharma cho biết, sau hơn 15 năm thành lập và phát triển, doanh nghiệp đã sản xuất 184 loại dược phẩm, 750 nhân sự và nhà máy có công suất 1 tỷ đơn vị sản phẩm mỗi năm.
Bên cạnh đó, cũng hướng đến trở thành biểu tượng hàng đầu về chất lượng Dược phẩm và là Top 10 nhà máy sản xuất thuốc tân dược tốt nhất Việt Nam.
Boston Pharma - Top 10 nhà máy sản xuất thuốc tân dược tốt nhất Việt Nam đang kinh doanh ra sao?
Giai đoạn 2016 - 2020, tình hình kinh doanh của Boston Pharma phát triển ấn tượng khi doanh thu tăng trưởng đều qua từng năm.
Cụ thể, năm 2016, doanh thu Boston Pharma đạt 128,9 tỷ đồng, tăng lên 170,4 tỷ đồng năm 2017; 208,7 tỷ đồng năm 2018; 313,3 tỷ đồng năm 2019 và 354,9 tỷ đồng năm 2020.
Đi kèm với sự lớn mạnh của doanh thu, lợi nhuận sau thuế thu nhập cũng hiệu quả hơn theo từng năm. Lãi sau thuế Boston Pharma ghi nhận 6,3 tỷ đồng năm 2016, 25,6 tỷ đồng năm 2017; 27,8 tỷ đồng năm 2018; 28,2 tỷ đồng năm 2019; 29,8 tỷ đồng năm 2020.
Như vậy, trong khoảng thời gian 5 năm cho giai đoạn này, Boston Pharma đã thu về hơn 1.100 tỷ đồng doanh thu và gần 112 tỷ đồng lãi sau thuế. Tương ứng tỷ suất lợi nhuận/doanh thua đạt 10,9%, đồng nghĩa với việc cứ 1 đồng doanh thu thuần thì tạo ra 10,9 đồng lợi nhuận ròng, một chỉ số rất ấn tượng với các doanh nghiệp cùng ngành.
Tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản Boston Pharma đạt 445 tỷ đồng; vốn điều lệ doanh nghiệp 204 tỷ đồng; nợ phải ở còn 241 tỷ đồng.