Bộ 3 cổ phiếu "họ VinGroup" chiếm tỷ trọng bao nhiêu trong rổ VN30?

04/11/2019 06:01 GMT+7
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa cập nhật cổ phiếu thành phần của chỉ số VN30, có hiệu lực từ 4/11/2019 đến ngày 31/1/2020.

Theo tính toán của HOSE, trong đợt cơ cấu VN30 này, họ nhà VinGroup chiếm tỷ trọng như sau: VinGroup (mã chứng khoán:VIC ) chiếm tỷ trọng 7,91% (tăng 0,37%); Công ty Cổ phần Vinhomes (mã chứng khoán: VHM) chiếm tỷ trọng 4,88% (tăng 0,23%); Công ty CP Vincom Retail (mã chứng khoán: VRE) chiếm tỷ trọng 2,25% (tăng 0,11%). Như vậy với rổ cơ cấu mới này, bộ 3 cổ phiếu “nhóm VinGroup”  chiếm tổng tỷ trọng 15,04% trong rổ VN30.

Bộ 3 cổ phiếu "họ VinGroup" chiếm tỷ trọng bao nhiêu trong rổ VN30? - Ảnh 1.

Tỷ trọng của các nhóm cổ phiếu trong rổ VN30 mới

Trong lần cập nhật này, HoSE không thêm/bớt cổ phiếu nào trong rổ VN30, mà chỉ có những thay đổi về tỷ lệ free-float cũng như giới hạn tỷ trọng vốn hóa thành phần cổ phiếu trong danh mục.

Theo các nhà đầu tư, sự thay đổi đáng chú ý nhất là HoSE giới hạn tỷ trọng vốn hóa của bộ 3 cổ phiếu VIC, VHM, VRE từ mức 42,1% lên 44,62%. Điều này đồng nghĩa với tỷ trọng vốn hóa của "nhóm VinGroup" trong rổ VN30 được tăng lên, trong khi các cổ phiếu khác sẽ bị giảm tỷ trọng.

Ông Nguyễn Hoàng Giang- Chuyên viên tư vấn ACBS cho biết, để vào được VN30, các mã chứng khoán qua 3 bước sàng lọc đáp ứng các tiêu chuẩn về giá trị vốn hóa, free-float và thanh khoản. Bởi vậy, việc lọt được vào danh sách này khẳng định chất lượng của mã chứng khoán về cả thanh khoản lẫn giá trị.

Chỉ số VN30 đại diện cho của 30 công ty niêm yết trên sàn HOSE, chiếm khoảng 80% tổng giá trị vốn hóa và 60% tổng giá trị giao dịch thị trường. Bộ chỉ số này giúp nhà đầu tư định hướng tham khảo và xây dựng danh mục đầu tư của riêng mình. Biến động của chỉ số VN-Index tương đồng với diễn biến của chỉ số VN30. Bên cạnh đó, bộ chỉ số này còn được dùng để phục vụ thị trường chứng khoán phái sinh...

Được biết, Quỹ VFMVN30 ETF đã hoàn tất cơ cấu danh mục vào ngày 1/11/2019 trước thời điểm VN30 Index có hiệu lực. Đến nay quỹ này chưa công bố kết quả cụ thể, nhưng theo nhận định của Công ty Chứng khoán MB (MBS), trong đợt cơ cấu danh mục lần này, quỹ này chỉ thay đổi tỷ trọng các cổ phiếu trong rổ thành phần. Theo đó, các cổ phiếu được mua vào nhiều nhất là STB (735.549 cp); ROS (530.000 cp); EIB (346.086 cp); SBT (261.208 cp). Cùng với đó, các cổ phiếu VIC, VHM, VRE dự kiến được mua vào lần lượt 202.235 cp; 164.454 cp và 230.991 cp. Trong khi đó, các cổ phiếu bị bán ra nhiều nhất là TCB (211.755 cp); VPB (162.505 cp); GMD (154.581 cp); HPG (146.767 cp) và VJC (110.056 cp)…

Bên cạnh ảnh hưởng của hoạt động cơ cấu danh mục của Quỹ VFMVN30 ETF, sự thay đổi cơ cấu của VN30 sẽ ảnh hưởng tới thị trường phái sinh, khi mà nhóm VinGroup đang chiếm tỷ trọng lớn trong rổ chỉ số này.

Tính tới phiên giao dịch ngày 1/1/2019 cổ phiếu VIC cán mốc 122.500 đồng/cổ phiếu, VRE cán mốc 35.500 đồng/cổ phiếu, VHM tăng trần cán mốc 95.200 đồng/cổ phiếu.

Kết thúc phiên giao dịch 1/11/2019, chỉ số Vnidnex đóng cửa ở 1.015,59 điểm, tăng 16,77 điểm, tương đương 1,68%; thanh khoản đạt hơn 200 triệu đơn vị. Được biết phiên giao dịch này đã bùng nổ với những cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC, VHM, VNM, VCB, VRE... Theo các chuyên gia, việc tiếp tục lọt rổ và nâng tỷ trọng cao trong rổ VN30 một lần nữa khẳng định cổ phiếu nhóm VinGoup sẽ tiếp tục làm trụ cột cho chỉ số VN-Index và tiếp tục dẫn đắt thị trường trong thời gian tới...

Hà Phương/enternews
Cùng chuyên mục