Bộ Công thương có trách nhiệm lớn tại dự án Gang thép Thái Nguyên

10/12/2019 08:24 GMT+7
Nguyên nhân khiến cho dự án có mức đầu tư khủng lên tới 8.100 tỷ đồng thành đống sắt han gỉ, theo Thanh tra Chính phủ là do sai phạm của chính lãnh đạo Công ty Gang thép Thái Nguyên và nhiều bộ ngành, trong đó Bộ Công thương có trách nhiệm rất lớn.

Tại kỳ họp 41, Uỷ ban Kiểm tra TƯ đã xem xét, kết luận việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng công ty Thép Việt Nam.

Bộ Công thương chỉ đạo sai thẩm quyền tại dự án Gang thép Thái Nguyên - Ảnh 1.

Dự án Gang Thép Thái Nguyên hiện chỉ là đống thép sắt hoen gì.

Theo UBKT Trung ương, Ban cán sự Đảng Bộ Công thương đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, để Bộ Công thương có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với dự án TISCO II.

Ông Vũ Huy Hoàng, bí thư Ban cán sự Đảng, bộ trưởng (giai đoạn 2007-2016) chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự Đảng Bộ Công thương; các nguyên ủy viên Ban cán sự Đảng, nguyên thứ trưởng Lê Dương Quang và Đỗ Hữu Hào cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự Đảng Bộ Công thương và trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công.

Theo kết luận thanh tra, đến nay dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) được đầu tư tổng số tiền đã thanh toán hơn 4.400 tỉ đồng và tổng dư nợ gốc, lãi vay ngân hàng gần 3.900 tỷ. Hiện lãi vay của dự án này vẫn phải trả 40 tỉ/tháng.

Nguyên nhân khiến cho dự án 8.100 tỷ đồng thành đống sắt han gỉ, theo Thanh tra Chính phủ là do sai phạm chồng sai phạm của chính lãnh đạo Công ty Gang thép Thái Nguyên và nhiều bộ ngành, trong đó Bộ Công thương có trách nhiệm rất lớn.

Theo kết luận thanh tra, ngày 14/5/2009, thứ trưởng Bộ Công thương ký văn bản gửi Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS) và TISCO, trong đó có nội dung: "VINAINCON là doanh nghiệp thuộc bộ có năng lực và bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực thi công xây lắp các công trình công nghiệp… Bộ Công thương đề nghị VNS, TISCO xem xét, chấp nhận để VINAINCON được đảm nhận toàn bộ phần công việc xây lắp gói thầu EPC…".

Bốn tháng sau, TISCO và Công ty Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC), nhà thầu phụ VINAINCON ký hợp đồng thầu phụ thực hiện phần C với giá tạm tính hơn 764 tỉ đồng, thời gian thực hiện 21 tháng.

Tuy nhiên, VINAINCON đã không thực hiện cam kết theo hợp đồng mà ký 40 hợp đồng giao việc và khoán cho 29 nhà thầu khác với giá 505 tỉ.

Và trên thực tế, tiến độ thi công tại Nhà máy Gang thép Thái Nguyên bị làm rất chậm hoặc nhiều hạng mục không được thi công. TISCO đã gửi văn bản cho VINAINCON cho rằng thực trạng thi công này là "không thể chấp nhận được".

Thanh tra Chính phủ kết luận: TISCO đã cùng MCC ký hợp đồng thầu phụ giao cho VINAINCON, các nhà thầu phụ khác thực hiện phần C và thanh toán giá trị theo giá điều chỉnh là hành vi cố ý làm trái quy định pháp luật về đầu tư, không đúng nội dung hợp đồng EPC.

Đơn vị này còn sử dụng số liệu tổng hợp do VINAINCON lập chi phí phát sinh phần C hơn 15 triệu USD không có cơ sở nhưng vẫn trình các bộ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Còn VNS và Bộ Công thương thì không thẩm tra nhưng vẫn trình Thủ tướng và các bộ phê duyệt chi phí phát sinh này.

Cũng theo kết luận thanh tra, Bộ Công thương có văn bản giới thiệu và đề nghị VNS, TISCO giao VINAINCON là nhà thầu phụ và có ý kiến theo đề nghị TISCO ký hợp đồng với các nhà thầu phụ khác theo hình thức hợp đồng đơn giá là không đúng thẩm quyền được giao, vi phạm quy định pháp luật về đầu tư.

Trong văn bản của Bộ Công Thương gửi VNS và TISCO giới thiệu VINAINCON tham gia giai đoạn 2 của dự án có viết: “VINAINCON là doanh nghiệp thuộc bộ, có năng lực và bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực thi công xây lắp các công trình công nghiệp. Bộ Công Thương đề nghị VNS, TISCO xem xét, chấp thuận để VINAINCON được đảm nhận toàn bộ phần công việc xây lắp của gói thầu EPC”.

Bộ Công thương cũng có văn bản đề xuất việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án và văn bản báo cáo, trong đó có ý kiến việc điều chỉnh tăng lên 8.100 tỷ đồng đã được rà soát, thẩm tra là không đúng với hợp đồng EPC và quy định pháp luật về đầu tư.

Thanh tra Chính phủ xác định trách nhiệm để xảy ra những sai phạm trên thuộc về lãnh đạo Bộ Công thương, phó tổng giám đốc VNS, tổng giám đốc và các cán bộ có liên quan thuộc TISCO, VINAINCON…

Đã bắt giam 5 bị can

Tháng 4-2019, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) cho biết đang điều tra xác minh bốn vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra tại dự án TISCO II.

Căn cứ tài liệu điều tra xác minh thu thập được, C03 đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng và tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Cùng với đó, C03 ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam năm bị can. Những người này gồm: Mai Văn Tinh (cựu chủ tịch HĐQT VNS), Đậu Văn Hùng (cựu TGĐ VNS), cùng về tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.

Trần Trọng Mừng (cựu TGĐ TISCO), Trần Văn Khâm (cựu chủ tịch HĐQT, TGĐ TISCO) và Ngô Sỹ Hán (cựu phó TGĐ, trưởng ban quản lý dự án TISCO II), cùng về hai tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

An Vũ (t/h)
Cùng chuyên mục