Bò điên tái xuất tại Brazil, 14.000 con bò sống đang trên đường về Việt Nam cần được quản lý chặt chẽ

05/09/2021 20:14 GMT+7
Mới đây sau khi lại phát hiện “bò điên”, Brazil lập tức ngừng xuất khẩu thịt bò sang Trung Quốc. Trong khi đó, có doanh nghiệp đang nhập về Việt Nam 14.000 con gây nên nỗi lo lây lan dịch bệnh.

Brazil lập tức ngừng xuất khẩu thịt bò sang Trung Quốc

AFP đưa tin ngày 4/9/2021, Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi Brazil thông báo nước này tạm ngừng xuất khẩu thịt bò sang Trung Quốc. Nguyên nhân là Brazil phát hiện 2 trường hợp nhiễm bệnh bò điên bất thường tại bang Mato Grosso. Động thái này được thực hiện dựa trên thỏa thuận an toàn thực phẩm đã ký kết với Bắc Kinh.

Lệnh tạm dừng xuất khẩu sẽ có hiệu lực cho tới khi phía Trung Quốc kết thúc quá trình đánh giá và phân tích về thông tin liên quan đã được đưa ra.

Trung Quốc là bạn hàng duy nhất có thỏa thuận với Brazil về việc tạm dừng nhập khẩu thịt bò ngay khi phát hiện trường hợp liên quan tới căn bệnh này. Đây được xem là một đòn giáng mạnh đối với nông dân Brazil, khi Trung Quốc thu mua hơn một nửa lượng thịt bò xuất khẩu của nước này.

Bò điên tái xuất tại Brazil, doanh nghiệp nhập 14.000: Có sợ lây lan dịch bệnh? - Ảnh 1.

Năm 2019, Brazil từng phải dừng xuất khẩu thịt bò sang Trung Quốc sau khi phát hiện trường hợp bệnh "bò điên". (Nguồn: Reuters)

Chính phủ Brazil mong muốn việc tạm dừng này được dỡ bỏ nhanh chóng. Tại Brazil, mảng kinh doanh nông nghiệp là một trong những động lực chính của nền kinh tế vốn đã tụt hậu.

Brazil là nhà xuất khẩu thịt bò và gia cầm thuộc hàng lớn nhất thế giới. Nhưng cả thập kỷ qua, Brazil đã nhiều lần dính lùm xùm vì bệnh bò điên. Năm 2019, Brazil đã phải dừng các lô thịt bò xuất khẩu sang Trung Quốc sau khi phát hiện trường hợp bệnh "bò điên" ở bang Mato Grosso.

2012 là năm Brazil chịu nhiều thiệt hại vì bệnh bò điên. Rất nhiều bạn hàng lớn đồng loạt ngừng nhập khẩu thịt bò từ Brazil.

Doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu 14.000 con bò

Trong khi đó, tờ Beef Central (Brazil) đăng tải thông tin lô hàng xuất khẩu bò với gần 14.000 con bò sống từ Brazil đang trên đường đến Việt Nam.

Theo Beef Central, tàu MV Nada chuyên chở lô hàng này đã rời cảng Vila Do Conde và dự kiến cập cảng Thị Vải của Việt Nam vào cuối tháng 9. Beef Central khẳng định đây là lần đầu tiên Việt Nam nhập khẩu bò sống từ Brazil. Thoả thuận xuất khẩu được cho là có sự hợp tác giữa một doanh nghiệp và một nhà nhập khẩu gia súc hiện tại của Australia.

Bò điên tái xuất tại Brazil, doanh nghiệp nhập 14.000: Có sợ lây lan dịch bệnh? - Ảnh 2.

Tàu MV Nada chuyên chở lô hàng này đã rời cảng Vila Do Conde và dự kiến cập cảng Thị Vải của Việt Nam vào cuối tháng 9. Nguồn: Beef Central.

Như Beef Central đã báo cáo trước đây, Brazil đã nỗ lực để có được quyền tiếp cận xuất khẩu gia súc sống của mình sang Việt Nam trong vài năm. Đường biển quá xa là yếu tố chính cản trở sự phát triển của thương mại trong thời gian đó, nhưng giá bò Úc cao kỷ lục đã đã giúp gia súc Brazil có lợi thế trên thị trường ở thời điểm hiện tại.

Ngoài ra, tờ Beef Central cũng cho biết bò Úc có lợi thế hơn bò Brazil ở thị trường Việt Nam. Bò Úc vào Việt Nam với thuế suất ưu đãi bằng 0 trong khi bò Brazil phải chịu thuế nhập khẩu 5%.

Nhập khẩu thịt bò và bò sống từ Brazil là câu chuyện dài. Sau sự cố bò điên năm 2012, bò của Brazil đã bị cấm cửa tại nhiều quốc gia. Tới năm 2017, ngành thực phẩm Brazil lại bị giáng một đòn mạnh khi sự cố thịt bò bẩn đã khiến nhiều nước tiếp tục quay lưng với bò Brazil.

Tới năm 2018, Việt Nam xem xét nhập khẩu trở lại thịt bò Brazil. Tuy nhiên, cho tới nay, chưa có quyết định nào được công bố rộng rãi. Và khi người tiêu dùng tạm quên đi sự cố thịt bò bẩn năm 2017 thì hiện tại, câu chuyện bò điên tại Brazil lại nóng lên.

Bò điên tái xuất tại Brazil, doanh nghiệp nhập 14.000: Có sợ lây lan dịch bệnh? - Ảnh 3.

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy. Ảnh: ST

Vì vậy, việc doanh nghiệp nhập khẩu 14.000 con bò sống từ Brazil về Việt Nam nhận được sự quan tâm của dư luận.

 Thịt bò nhập khẩu vẫn chiếm ưu thế  

Thịt bò là thực phẩm được yêu thích ở Việt Nam. Nhu cầu đối với thịt bò ở Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng 5-6%/năm. Mức tiêu thụ thịt bò trung bình của người Việt đạt 3,15 kg thịt xẻ/người/năm và sẽ còn tiếp tục tăng trong những năm tới.

Sản lượng thịt bò trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng nên lượng bò thịt và thịt bò nhập khẩu về liên tục tăng. Trong đó, thịt bò Úc chiếm thị phần lớn nhất.

Cụ thể, năm 2020, số lượng bò sống được nhập khẩu về Việt Nam gần 550 nghìn con, tương đương 194,2 ngàn tấn thịt, tăng 13,6% so với năm 2019. Trong đó, số lượng bò nhập khẩu từ Úc là gần 301 nghìn con, chiếm 50,1% thị phần.

Chính vì vậy, việc mở rộng thị trường nhập khẩu là rất cần thiết nhưng phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, trong bối cảnh Covid-19 đang diễn ra căng thẳng, sự cố bò điên tại Brazil cũng là điều đáng lưu tâm.

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thuỷ lo ngại về truyền nhiễm. Theo ông Thuỷ, một con bò bị bệnh khi nhỏ dãi và ăn chung với các con bò khác, có thể truyền bệnh cho cả đàn. Vì vậy, ông Thuỷ  cho rằng, cần quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu bò sống.

Q.D
Cùng chuyên mục