Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo xử lý nghiêm chủ đầu tư nếu để chậm giải ngân vốn

27/08/2021 07:01 GMT+7
Bộ GTVT còn khoảng 24.000 tỷ đồng cần phải giải ngân trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mùa mưa bão diễn ra từ nay đến cuối năm sẽ ảnh hưởng đến việc triển khai dự án.

Theo kế hoạch vốn đầu tư công được giao, phân bổ vốn đầu tư năm 2021 của Bộ Giao thông vận tải  (GTVT) là khoảng 43.401 tỷ đồng bao gồm 42.996 tỷ đồng kế hoạch năm (trong đó 38.159 tỷ đồng vốn trong nước, 4.837 tỷ đồng vốn nước ngoài) và khoảng 405 tỷ đồng kế hoạch kéo dài.

Tính tới thời điểm này, kế hoạch giải ngân năm 2021 của Bộ GTVT còn khoảng 24.000 tỷ đồng, trong điều kiện dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, mùa mưa bão diễn ra từ nay đến cuối năm sẽ ảnh hưởng đến việc triển khai dự án.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết yêu cầu đến ngày 30/9, tất cả các chủ đầu tư các dự án phải giải ngân tối thiểu 60% số vốn đầu tư được giao.

Qua đó, người đứng đầu ngành GTVT yêu cầu các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án phải nâng cao sự giám sát, điều phối, cố gắng điều hành công tác xây dựng cơ bản để đạt kết quả tốt nhất, nâng cao tỷ lệ giải ngân theo đúng kế hoạch đề ra.

Vì sao có tiền nhưng Bộ GTVT không thể giải ngân vốn? - Ảnh 1.

Dự án cao tốc Bắc - Nam đang được gấp rút triển khai. Ảnh: Thế Anh

Ngoài ra, Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án chỉ đạo nhà thầu lập kế hoạch thi công chi tiết các hạng mục, công trình thi công theo từng tuần, từng tháng tương ứng với khối lượng giải ngân; tập trung huy động thiết bị, nhân lực, tăng cường các mũi thi công, tranh thủ thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thi công; chủ động sản xuất, tập kết vật liệu, lắp dựng trạm trộn,… có các giải pháp phù hợp, linh hoạt để chỉ đạo, điều hành triển khai các dự án ở hiện trường.

Để đảm bảo kế hoạch giải ngân, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chỉ đạo các đơn vị, Ban Quản lý dự án tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, rà soát việc phân bổ vốn cho các dự án phù hợp với tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún, kéo dài.

Vì sao có tiền nhưng Bộ GTVT không thể giải ngân vốn? - Ảnh 2.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa biết đến khi nào vận hành chính thức. Ảnh: Nguyễn Chương

Cùng với đó, Bộ GTVT kiên quyết xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Đồng thời, sẽ thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công.

Kết quả giải ngân dự án đầu tư công là một trong những căn cứ quan trọng nhất để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2021 của tổ chức, cá nhân được phân công theo dõi và người đứng đầu các cơ quan tham mưu liên quan.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giao Vụ Kế hoạch-Đầu tư phối hợp Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông khẩn trương tham mưu thành lập Tổ công tác đặc biệt của Bộ Giao thông Vận tải thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công do Bộ trưởng là Tổ trưởng, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm là Tổ phó.

Việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2021, là ý thức thực hiện nhiệm vụ chính trị trong tình hình hiện nay, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Đẩy mạnh giải ngân đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.



Thế Anh
Cùng chuyên mục