"Bùng nổ" của xe hợp đồng, bến xe nguy cơ phá sản
Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam vừa có báo cáo về việc xe khách tuyến cố định đã và đang dần bỏ bến ra ngoài chạy vòng vo tìm khách, gom khách.
"Số lượng xe vào bến giảm đáng kể, số lượng hành khách đến bến giảm khoảng 20 - 50% so với trước, nhiều bến xe rơi vào tình trạng khó khăn, nguy cơ phá sản đang hiện hữu", đây là con số đáng lo ngại khi được Hiệp hội này thống kê.
Cũng theo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, sự "bùng nổ" của xe hợp đồng phát triển mạnh (khoảng 175.000 xe) rất khó kiểm soát, nhất là loại xe Limousine các tuyến đường ngắn.
Lo hơn nữa là loại xe 16 chỗ ngồi nguyên bản đón khách từ các làng, bản đi khám, chữa bệnh đến tận bệnh viện, chuyên chở học sinh, sinh viên hoặc các đối tượng khác đến tận nơi cần đến, với số lượng loại phương tiện tham gia vận chuyển hành khách lên đến vài nghìn xe.
"Những xe này chạy rất sớm, vào khoảng 2-3h sáng nên đường vắng, xe chạy nhanh, ẩu nên nguy cơ tai nạn giao thông rất cao. Điển hình vụ tai nạn giao thông tại Quảng Nam làm 10 người chết là một minh chứng cho thấy tình trạng trên", báo cáo của Hiệp hội này chỉ ra vấn đề.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, hiện nay xe tuyến cố định bị quản lý chặt, còn xe hợp đồng quản lý lỏng lẻo.
Sắp tới sẽ kiến nghị việc lưu lượng xe tuyến cố định chạy trên tuyến sẽ là thỏa thuận, hợp đồng giữa nhà xe với bến xe, đối tác để hạn chế phiền hà cho doanh nghiệp. Hiệp hội sẽ tiếp thu ý kiến của các bến xe, các đơn vị quản lý Nhà nước để báo cáo cấp có thẩm quyền.
Nói về vấn nạn "bùng nổ" xe hợp đồng và giải pháp quản lý, ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện người lái, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, Cục đang tham mưu Bộ GTVT sửa đổi Nghị định 10 và Bộ sẽ bổ sung vào chương trình văn bản quy phạm pháp luật 6 tháng đầu năm.
"Sau khi Bộ ban hành chương trình, Cục Đường bộ sẽ có dự thảo dựa trên cơ sở ý kiến của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam và của các đơn vị cũng như góp ý của các Sở GTVT", ông Hoàng Anh nêu.
Theo ông Hoàng Anh, trên cơ sở ý kiến của các bến xe, cơ quan quản lý, trước mắt đề xuất sửa đổi một số điều khoản trong Nghị định 10/2020/NĐ-CP về cấp phép tuyến mới, chế tài xử phạt, thời hạn phù hiệu, sửa các vấn đề về xe hợp đồng, lệnh vận chuyển, sửa vấn đề về cự ly của tuyến…
Trước đó, ngày 16/1/2023, đoàn kiểm tra công tác vận tải hành khách phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 do Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng làm trưởng đoàn đã kiểm tra trực tiếp tại khu vực bến xe Mỹ Đình, Nước Ngầm.
Theo báo cáo của Bến xe Nước Ngầm, Công ty TNHH Du lịch và vận tải Vân Anh là doanh nghiệp thuộc tỉnh Thanh Hóa tham gia khai thác tuyến Bến xe Nước Ngầm (Hà Nội) - Bến xe phía Bắc Thanh Hóa (Thanh Hóa) bỏ bến ra ngoài hoạt động đón trả khách quanh khu vực bến xe Nước Ngầm, đặc biệt là tại bãi đất trống phía trong cây xăng Vạn Thuận trên đường Chu Văn An (huyện Thanh Trì).
Báo cáo cho thấy, nhà xe Vân Anh bỏ tới gần 40 "lốt" xe tại bến xe Nước Ngầm để đi hoạt động bên ngoài bến xe.
"Tình trạng xe "dù", bến "cóc" hoạt động tràn lan không chỉ gây ùn tắc giao thông mà còn khiến cho các doanh nghiệp vận tải làm ăn nghiêm túc bị cạnh tranh không lành mạnh; bến xe khó khăn vì vắng khách", báo cáo của Bến xe Nước Ngầm nêu rõ.
Sở GTVT Hà Nội đã yêu cầu lực lượng Thanh tra GTVT phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan kiểm tra, xử lý xe khách bỏ bến, chạy dù.
Sở GTVT Hà Nội nhấn mạnh việc lưu ý đến vi phạm trong hoạt động vận tải hành khách của nhà xe Vân Anh (Công ty TNHH Du lịch và vận tải Vân Anh).