Cà phê dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu lĩnh vực nông sản, triển vọng niên vụ mới

13/10/2022 14:35 GMT+7
Cà phê vượt qua nhiều nhóm hàng nông sản chủ lực như rau quả, gạo, hạt điều… để trở thành nhóm hàng nông sản xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất trong 9 tháng đầu năm.

Xuất khẩu cà phê Việt tăng trưởng ấn tượng... 

Giá cà phê hôm nay (13/10) quay đầu giảm 500 đồng/kg sau khi đã tăng 200 đồng/kg vào hôm qua. Theo ghi nhận, giá thu mua nội địa hiện vào khoảng 46.100 - 46.600 đồng/kg. Con số này cao hơn so với thời điểm đầu vụ thu hoạch trong các năm trước, tăng 17 – 18% so với mức giá 39.300 – 40.2000 đồng/kg của cùng thời điểm năm 2021. 

Cà phê dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu lĩnh vực nông sản, triển vọng niên vụ mới - Ảnh 1.

Nguồn: Diễn đàn của người làm cà phê.

Hiện tại, các tỉnh trọng điểm thuộc khu vực Tây Nguyên đang ghi nhận khoảng giá 46.100 - 46.600 đồng/kg. Trong đó, Lâm Đồng là địa phương ghi nhận mức giá thấp nhất với 46.100 đồng/kg sau khi giảm 500 đồng/kg. Hai tỉnh Gia Lai và Đắk Nông cùng điều chỉnh giảm 500 đồng/kg xuống cùng mức 46.400 đồng/kg. Tương tự, giá thu mua tại tỉnh Đắk Lắk cũng giảm 500 đồng/kg so với hôm qua, về mức 46.600 đồng/kg. 

Trên thị trường thế giới, giá cà phê nhìn chung không được ủng hộ do yếu tố tiền tệ không tích cực. USDX vẫn duy trì đà tăng kỷ lục trong rổ tiền tệ mạnh, tiếp tục gây khó cho sức mua trên hầu hết các thị trường.

Giới đầu tư trên các thị trường kỳ hạn tiếp tục thể hiện sự quan ngại sau báo cáo tồn kho trên cả hai sàn hiện đang ở mức quá thấp đã hỗ trợ giá cà phê tăng. Các động thái nhằm rút bớt thanh khoản trên thị trường của một số ngân hàng của các nền kinh tế lớn đã làm giới đầu tư thận trọng, khiến dòng tiền rót vào các tài sản rủi ro như cà phê bị chững lại.

Tuy nhiên, ở phiên trước đó, trái ngược với các mặt hàng hàng hóa khác đều giảm giá trước sức mạnh của đồng USD, giá cà phê cả 2 sàn đã duy trì được sắc xanh nhờ thông tin về nguồn cung, tồn kho và sự cân đối vị thế kinh doanh của các quỹ đầu cơ.

Báo cáo tồn kho đầu tuần cà phê đạt chuẩn sàn London giảm nhẹ. Theo phân tích kỹ thuật, dù mức tăng không nhiều nhưng 3 phiên gần nhất giá cà phê Robusta đều kết phiên trong sắc xanh nên đà giảm giá phần nào đã chững lại nhưng vẫn chưa có gì chắc chắc xu hướng tăng giá đã thiết lập.

Tính tới ngày 11/10, tồn kho cà phê Arabica đạt chuẩn sàn New York giảm xuống mức thấp nhất 23 năm ở mức 416.399 bao và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại trong ít nhất 1 tháng tới, đã hạn chế đà giảm giá của Arabica. Theo phân tích kỹ thuật, các chỉ số kỹ thuật của thị trường cà phê Arabica đều đang cho tín hiệu trung tính, xu hướng giá chưa rõ nét, nhiều khả năng còn những pha lên xuống bất ngờ.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/10, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe - London kỳ hạn giao tháng 11/2022 giảm mạnh 24 USD (1,11%), giao dịch tại 2.142 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 1/2023 giảm 19 USD (0,88%), giao dịch tại 2.141 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.

Trong khi đó, giá cà phê Arabica trên sàn ICE Futures US - New York, kỳ hạn giao tháng 12/2022 giảm sâu 8,1 Cent (3,72%), giao dịch tại 209,75 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 3/2023 giảm 6,55 Cent/lb (3,15%), giao dịch tại 201,4 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng mạnh.

Cà phê dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu lĩnh vực nông sản, triển vọng niên vụ mới - Ảnh 2.

Cà phê đã vượt qua nhiều nhóm hàng chủ lực như rau quả, gạo, hạt điều… để trở thành nhóm có kim ngạch lớn nhất trong lĩnh vực nông sản (cùng kỳ năm ngoái đứng thứ 4 sau rau quả, hạt điều và gạo).

Theo thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan, tháng 9, cả nước xuất khẩu 92.550 tấn cà phê, kim ngạch 226 triệu USD, giảm 17,8% về lượng và giảm 15,1% về kim ngạch so với tháng trước.

Tuy nhiên lũy kế 9 tháng đầu năm, xuất khẩu nhóm hàng này vẫn tăng trưởng hết sức ấn tượng với 1.341.374 tấn, kim ngạch 3,06 tỷ USD, tăng 13,1% về lượng và tăng 37% về kim ngạch so với cùng kỳ 2021.

Đáng chú ý, cà phê đã vượt qua nhiều nhóm hàng chủ lực như rau quả, gạo, hạt điều… để trở thành nhóm có kim ngạch lớn nhất trong lĩnh vực nông sản (cùng kỳ năm ngoái đứng thứ 4 sau rau quả, hạt điều và gạo).

Cà phê dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu lĩnh vực nông sản, triển vọng niên vụ mới - Ảnh 3.

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Thị trường xuất khẩu cà phê của Việt Nam khá phong phú, đáng kể nhất là các thị trường như: Đức với 170.336 tấn, kim ngạch 363 triệu USD; Bỉ với 103.024 tấn, kim ngạch gần 219 triệu USD; Italia với 110.631 tấn, kim ngạch 236,47 triệu USD; Hoa Kỳ với 89.147 tấn, kim ngạch 214,2 triệu USD; Nhật Bản với 85.619 tấn, kim ngạch 215,5 triệu USD; Tây Ban Nha với 71.694 tấn, kim ngạch 160,8 triệu USD…

Hết tháng 9, trong nhóm hàng nông sản xuất khẩu chủ lực có 5 nhóm đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên.

4 nhóm hàng còn lại là: rau quả (2,44 tỷ USD), hạt điều (2,28 tỷ USD), gạo (2,6 tỷ USD), sắn và sản phẩm sắn (hơn 1 tỷ USD). Trong đó, rau quả và hạt điều tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung trong lĩnh vực nông nghiệp, nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất là gỗ và sản phẩm gỗ với 12,27 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái; tiếp đến là thủy sản với 8,5 tỷ USD, tăng 37,3%.

Triển vọng nào cho cà phê trong niên vụ 2022-2023?

Nhận định về triển vọng giá cà phê trong niên vụ 2022-2023, các chuyên gia cho rằng lạm phát tăng cao tại nhiều quốc gia có thể ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ cà phê toàn cầu, nhưng những rủi ro về nguồn cung do biến đổi khí hậu vẫn còn hiện hữu và xu hướng chuyển dịch sang cà phê Robusta sẽ mở ra cơ hội đối với cà phê của Việt Nam.

Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (Vicofa) cho biết thời gian qua, các nước tiêu thụ chính trong đó có Mỹ, Châu Âu, đồng loạt tăng mạnh lãi suất. Điều này khiến chi phí kinh doanh của những công ty nhập khẩu tăng lên và hoạt động mua hàng cũng trầm lắng. Đây cũng là lý do vì sao hiện lượng tồn kho trong nước vẫn đang thấp nhưng diễn biến giá lại trái ngược so với giai đoạn tháng 7, 8.

Nền kinh tế thế giới nhiều nước bước vào suy thoái nhiều nước phải tìm mọi biện pháp để hạn chế lạm phát, trong đó tăng lãi suất. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến nhu cầu tiêu thụ cà phê.

Tuy nhiên năm nay, do ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu nên sản lượng có thể giảm hơn so với mọi năm. Điều lo ngại là năm nay tình hình biến đổi khí hậu phức tạp, mưa nhiều khiến hoạt động chế biến trong thời gian thu hoạch trở nên khó khăn hơn, ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng cà phê. Dự kiến sản lượng cà phê Việt Nam năm nay giảm 10% so với năm ngoái xuống khoảng 1,6 triệu tấn, theo đại diện của Vicofa.

Cà phê dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu lĩnh vực nông sản, triển vọng niên vụ mới - Ảnh 4.

Thị trường cà phê toàn cầu dự kiến sẽ thâm hụt khoảng 3,1 triệu bao trong niên vụ 2021-2022.

Thị trường cà phê toàn cầu cũng đang phải đối mặt với nguy cơ thâm hụt nguồn cung bởi tình hình thời tiết khô hạn tại Brazil gây ảnh hưởng đến sản lượng. Còn tại Colombia, nước này cũng đang chật vật trong việc phục hồi các vườn các phê sau đợt tàn phá của những con mưa lớn.

Hiệp hội Xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafe) dự báo dự trữ cà phê của nước này chỉ đạt 7 triệu bao loại 60kg vào tháng 3/2023 và là mức thấp kỷ lục tại cường quốc số một thế giới về sản xuất cà phê này.

Dự trữ cà phê tại Brazil xuống thấp đến mức ngay cả khi người nông dân trồng cà phê tại nước này có được một vụ thu hoạch bội thu trong năm tới, Brazil cũng khó có đủ cà phê để đáp ứng nhu cầu tăng cao như hiện tại. Ngoài ra, tại thời điểm hiện tại, các nhà sản xuất cà phê Brazil “chỉ mong trời đổ mưa”.

Hiện triển vọng thời tiết tại các nước sản xuất cà phê chủ chốt tại khu vực Mỹ Latinh là không mấy khả quan. Hiện tượng thời tiết La Niña dự kiến sẽ tiếp tục gây ra hạn hán ở Brazil thêm vài tháng. Trong khi đó, quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới là Colombia lại đang hứng chịu lượng mưa “nhiều bất thường”. Thời tiết bất lợi cũng ảnh hưởng đến sản lượng cà phê ở Guatemala, Honduras và Nicaragua.

Sàn giao dịch chứng khoán Mỹ ICE Futures khẳng định sản lượng và dự trữ cà phê sụt giảm tại Brazil sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm cà phê trên toàn cầu và là một tín hiệu có thể đẩy giá cà phê trên thị trường thế giới lên cao hơn nữa trong thời gian tới.

ICE Futures cho biết dự trữ cà phê chè (Arabica) tại các kho do sàn giao dịch này quản lý hiện đang ở mức thấp nhất trong 23 năm qua. Nguồn cung toàn cầu thắt chặt đã khiến giá cà phê Arabica trên Sàn giao dịch chứng khoán New York tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các nhà phân tích kinh tế từ ngân hàng Rabobank cho rằng, sự không chắc chắn về nguồn cung cà phê tại Brazil là một trong những lý do chủ chốt khiến giá cà phê toàn cầu sẽ tiếp tục tăng.

Các chuyên gia nhận định năm 2022 là năm thứ hai liên tiếp nhu cầu cà phê sẽ vượt cung trên thị trường toàn cầu. Một số thương hiệu cà phê lớn như Starbucks và Jacobs đã lên kế hoạch tăng giá sản phẩm để đối phó với tình trạng lợi nhuận sụt giảm.

Về triển vọng cung cầu, mới nhất, Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) vẫn giữ nguyên dự báo về nguồn cung cà phê toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 ở mức 167,2 triệu bao, giảm hơn 2,1% so với niên vụ trước. Trong khi tiêu thụ dự báo tăng 3,3% lên 170,3 triệu bao. Thị trường cà phê toàn cầu dự kiến sẽ thâm hụt khoảng 3,1 triệu bao trong niên vụ 2021-2022.


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục