Cà phê lại nhận "tin xấu", giá sẽ bị tác động mạnh

27/06/2022 20:38 GMT+7
6 tháng đầu năm 2022 sắp qua đi, thị trường cà phê thế giới liên tục biến động. Từ mốc giá 2.300 - 2.400 USD/tấn trên sàn London, hiện giá cà phê Robusta chỉ còn dao động quanh mức 2.100 USD/tấn. Các chuyên gia dự báo, giá cà phê sẽ còn giảm do áp lực nguồn cung...

Giá cà phê sụt giảm liên tiếp do áp lực nguồn cung 

Tuần qua, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 7/2022 giảm 38 USD/tấn; giá cà phê Arabica giao tháng 7/2022 giảm 1,05 Cent/lb. Đây là tuần giảm thứ 2 liên tiếp của cà phê thế giới.

Cà phê lại nhận "tin xấu", giá sẽ bị tác động mạnh - Ảnh 1.

Từ mốc giá 2.300 - 2.400 USD/tấn trên sàn London, hiện giá cà phê Robusta chỉ còn dao động quanh mức 2.100 USD/tấn.

Giá cà phê hai sàn kỳ hạn đảo chiều sụt giảm sau áp lực từ báo cáo nguồn cung dồi dào của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã khiến giới đầu cơ vội vàng cắt giảm vị thế ròng hiện đang nắm. Góp thêm phần hỗ trợ cho xu hướng giảm giá cà phê là tỷ giá đồng Real của Brazil tiếp tục giảm xuống mức thấp 4,5 tháng, tiếp tục khuyến khích người Brazil đẩy mạnh xuất khẩu cà phê vụ mới hiện đang thu hoạch.

Chốt phiên giao dịch cuối tuần qua (ngày 24/6), giá cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe - London tiếp tục giảm mạnh, kỳ hạn giao tháng 7/2022 giảm 42 USD (2,03%), giao dịch tại 2.027 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 9/2022 giảm 42 USD (2,01%) giao dịch tại 2.044 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình.

Giá cà phê Arabica trên sàn ICE Futures US - New York kỳ hạn giao tháng 9/2022 cũng giảm mạnh 5,75 Cent (2,51%), giao dịch tại 223,25 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 12/2022 giảm 5,8 Cent/lb (2,55%), giao dịch tại 221,45 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình.

Khảo sát phiên giao dịch sáng ngày 27/6, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 7/2022 vẫn giảm 42 USD/tấn ở mức 2.027 USD/tấn, giao tháng 9/2022 giảm 42 USD/tấn ở mức 2.044 USD/tấn. Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 7/2022 giảm 5,85 cent/lb, ở mức 226,6 cent/lb, giao tháng 9/2022 giảm 5,75 cent/lb, ở mức 223,25 cent/lb.

Cà phê lại nhận "tin xấu", giá sẽ bị tác động mạnh - Ảnh 2.

GIÁ CÀ PHÊ TRỰC TUYẾN SÀN LONDON, NEW YORK, BMF Cập nhật: 27/06/2022 lúc 19:42:02

Rõ ràng là USDA báo cáo sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2022/2023 sẽ tăng 4,7% so với niên vụ trước lên 174,95 triệu bao, chủ yếu là do vụ mùa Arabica của Brazil vào năm cho sản lượng cao theo chu kỳ “hai năm một”; đồng thời tồn kho cà phê toàn cầu cuối niên vụ sẽ tăng 6,3% lên 34,70 triệu bao. Đây là thông tin không tốt đối với cà phê và giá mặt hàng này sẽ bị tác động xấu.

Các yếu tố đang ảnh hưởng mạnh đến giá cà phê thế giới thời điểm này, gồm: Vụ thu hoạch tại Brazil được mùa và sản lượng toàn cầu tăng như đã phân tích ở trên; lạm phát toàn cầu dẫn đến tiêu thụ sụt giảm; ngân hàng các nước tăng lãi suất. Tỷ giá đồng USD tăng kỷ lục, đồng nội tệ các nước xuất khẩu giảm dẫn đến việc nông dân bán hàng mạnh, kéo theo giá cà phê càng đi xuống. Chưa kể, giá cước vận tải biển đang vẫn rất cao ảnh hưởng đến giá cà phê 2 sàn.

Giá cà phê trong nước hôm nay (27/6) bất ngờ chững lại sau nhiều ngày biến động trái chiều. Hiện tại, giá thu mua cà phê tại các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên đang dao động trong khoảng 42.500 - 43.000 đồng/kg, không đổi so với cuối tuần trước.

Theo khảo sát trên trang giacaphe.com hôm nay 27/6, giá cà phê không có thay đổi tại các tỉnh trọng điểm trong nước. Hiện tại, mức giá thấp nhất vẫn là 42.500 đồng/kg được ghi nhận tại tỉnh Lâm Đồng. Nhỉnh hơn là hai tỉnh Gia Lai và Đắk Nông với chung mức giá 42.900 đồng/kg. Đắk Lắk tiếp tục là địa phương dẫn đầu với giá cà phê cao nhất trong các tỉnh, đạt 43.000 đồng/kg.

Đẩy mạnh xuất khẩu cà phê vào các thị trường trọng điểm

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 5/2022, Việt Nam xuất khẩu cà phê đạt 142,33 nghìn tấn, trị giá 324,3 triệu USD, giảm 9,6% về lượng và giảm 10,5% về trị giá so với tháng 4/2022, so với tháng 5/2021 tăng 9,3% về lượng và tăng 33,2% về trị giá. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 881,56 nghìn tấn, trị giá 1,98 tỷ USD, tăng 23,2% về lượng và tăng 56,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Tháng 5/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.278 USD/ tấn, giảm 1,0% so với tháng 4/2022, nhưng tăng 21,9% so với tháng 5/2021. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.250 USD/tấn, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Tháng 5/2022 so với tháng 5/2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang hầu hết các thị trường chính tăng, ngoại trừ xuất khẩu sang Nhật Bản, Hoa Kỳ, Philippines giảm mạnh. Đáng chú ý, xuất khẩu cà phê sang nhiều thị trường châu Âu ghi nhận mức tăng trưởng 2 con số. 5 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021, xuất khẩu cà phê sang hầu hết các thị trường tăng, ngoại trừ Hoa Kỳ, Philippines, Trung Quốc. Đáng chú ý, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Bỉ tăng 261% về lượng và tăng 349,7% về trị giá; sang Anh tăng 130,3% về lượng và tăng 178,6% về trị giá.

Cà phê lại nhận "tin xấu", giá sẽ bị tác động mạnh - Ảnh 3.

Dự báo trong ngắn hạn, giá cà phê thế giới tiếp tục xu hướng giảm. Lo ngại rủi ro tăng cao đã đẩy đồng USD lên mức cao mới, khiến các tiền tệ mới nổi mất giá, dẫn tới việc bán tháo hàng hóa, trong đó có mặt hàng cà phê trên diện rộng.

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu cà phê lớn thứ 5 của Việt Nam. Tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê sang Hoa Kỳ giảm về lượng, nhưng tăng về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 5/2022, Việt Nam xuất khẩu cà phê sang Hoa Kỳ đạt 9,34 nghìn tấn, trị giá 22 triệu USD, giảm 16,5% về lượng, nhưng tăng 2,3% về trị giá so với tháng 5/2021. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 50,58 nghìn tấn, trị giá 124,95 triệu USD, giảm 2,9% về lượng, nhưng tăng 23,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Tháng 5/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt mức 2.359 USD/tấn, giảm 5,9% so với tháng 4/2022, nhưng tăng 22,4% so với tháng 5/2021. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt mức 2.470 USD/tấn, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2021.

4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê Robusta sang Hoa Kỳ đạt 32,57 nghìn tấn, trị giá 64,19 triệu USD, tăng 7,1% về lượng và tăng 36% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá xuất khẩu bình quân cà phê Robusta của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 1.970 USD/ tấn, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, xuất khẩu cà phê Arabica sang Hoa Kỳ trong 4 tháng đầu năm 2022 đạt 5,28 nghìn tấn, trị giá 23,25 triệu USD, giảm 30,3% về lượng, nhưng tăng 12,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá xuất khẩu bình quân cà phê Arabica của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 4.402 USD/tấn, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2021. Tương tự, kim ngạch xuất khẩu cà phê chế biến của Việt Nam sang Hoa Kỳ trong 4 tháng đầu năm 2022 giảm 33,2% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 15,44 triệu USD.

Cà phê lại nhận "tin xấu", giá sẽ bị tác động mạnh - Ảnh 4.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan.

Thực tế, giá cà phê thế giới giảm do nguồn cung dồi dào, nhu cầu tiêu thụ thấp. Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, cà phê Việt Nam không có cách nào khác là phải cố gắng đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, liên minh châu Âu (EU) như Bỉ, Anh... nêu trên; hay các thị trường châu Á như Trung Quốc... 

Hiện hầu hết các thị trường lo ngại lạm phát vượt mức trên thế giới có thể khiến lãi suất cơ bản tiền tệ tăng mạnh hơn, có thể dẫn đến suy thoái toàn cầu, trong khi dịch Covid-19 vẫn chưa được khống chế triệt để và căng thẳng địa chính trị tại Đông Âu chưa có dấu hiệu lắng dịu.

Dự báo trong ngắn hạn, giá cà phê thế giới tiếp tục xu hướng giảm. Lo ngại rủi ro tăng cao đã đẩy đồng USD lên mức cao mới, khiến các tiền tệ mới nổi mất giá, dẫn tới việc bán tháo hàng hóa, trong đó có mặt hàng cà phê trên diện rộng.

Được biết, đề án tái canh cà phê các tỉnh vùng Tây Nguyên được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành đã cụ thể hóa và xác định được quy mô, địa bàn, lộ trình thực hiện tái canh, đi kèm với đó là hoàn thiện quy trình, sản xuất giống đáp ứng yêu cầu tái canh.

Việt Nam sẽ tái canh hơn 100.000 ha cà phê giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu của đề án sẽ trồng tái canh và ghép cải tạo khoảng 107.000 ha cà phê, phủ rộng ở 5 tỉnh Tây Nguyên và các các tỉnh khác như Sơn La, Điện Biên, Quảng Trị, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu.

Tổng diện tích trồng tái canh và ghép cải tạo các tỉnh trong phạm vi đề án giai đoạn 2011-2021 là 166.579,2 ha. Sau khi thực hiện đề án, vườn cây cà phê được trẻ hóa, năng suất đạt trung bình 2,8 tấn/ha vượt 0,1 tấn/ha so với mục tiêu.

Một số giải pháp khi triển khai đề án tái canh cà phê giai đoạn 2021-2025 đó là, hoàn thiện, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về giống cà phê; hỗ trợ, khuyến khích xây dựng chuỗi giá trị sản xuất cà phê bền vững gắn với hình thành các vùng sản xuất tập trung. Tăng cường đầu tư chế biến sâu để nâng cao chất lượng cà phê, đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất cà phê, kêu gọi đầu tư, chuyển giao công nghệ tiên tiến trong chế biến và bảo quản. Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, chế biến cà phê trong và ngoài nước…

Hy vọng với đề án và các giải pháp này sẽ đem lại sự phát triển bền vững, lâu dài và nâng cao được giá trị của cà phê Việt Nam...

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục