Các cổ phiếu giúp nhà đầu tư 'phát tài' trong năm Kỷ Hợi
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của năm Kỷ Hợi 2019 (22/1/2020), VN-Index đóng cửa ở mức 991,46 điểm, tăng 9,11% so với đầu năm Âm lịch. HNX-Index cũng tăng 2,84% lên 106,28 điểm. UPCoM-Index tăng 2,57% lên 56,22 điểm.
Diễn biến thị trường chung trong năm Kỷ Hợi vừa qua là tích lũy đi lên với những diễn biến khó chịu. Các cổ phiếu trụ cột phân hóa mạnh và thay nhau nâng đỡ thị trường. Dù vậy, nhiều cổ phiếu vẫn tăng bằng lần. Tính chung trên cả 3 sàn giao dịch HoSE, HNX và UPCoM có tổng cộng 89 cổ phiếu tăng giá trên 100% trong năm Kỷ Hợi nhưng nhiều cổ phiếu luôn ở trong tình trạng "đóng băng" thanh khoản.
Đứng đầu danh sách tăng giá là cổ phiếu VNX của Quảng cáo và Hội chợ Thương mại (Vinexad; UPCoM: VNX) tăng gần 100 lần từ 777 đồng/cp lên thành 76.000 đồng/cp. Cổ phiếu này có đợt tăng 31/32 phiên tăng trần nhưng gần như không có thanh khoản. Khối lượng giao dịch trung bình 1 năm qua của cổ phiếu này chỉ là 651 đơn vị, tương ứng 38,4 triệu đồng.
Vinexad có vốn điều lệ hơn 12 tỷ đồng, trụ sở nằm tại số 9 Đinh Lễ, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo và hội chợ triển lãm thương mại; du lịch kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ, thiết bị máy văn phòng…. Năm 2018, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt 164,8 tỷ và 12,4 tỷ đồng, cao hơn 11% và 41% so với năm trước. EPS đạt 10.177 đồng và cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 50%.
Đứng thứ 2 trong danh sách tăng giá là cổ phiếu HCS của Thông tin Tín hiệu Đường sắt Hà Nội (UPCoM: HCS) với gần 15 lần. Giá cổ phiếu HCS tăng từ 6.735 đồng/cp lên thành 107.600 đồng/cp. Thay vì đà tăng "sốc" như VNX, cổ phiếu HCS "chia nhỏ" thành nhiều đợt. Thậm chí, có giai đoạn cổ phiếu này thường xuyên không có giao dịch nhưng lại bất ngờ tăng trần một phiên và liên tục lặp lại tình trạng như vậy.
Thông tin Tín hiệu Đường sắt Hà Nội có vốn điều lệ 22,5 tỷ đồng, với 3 cổ đông lớn gồm Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nắm 51%, Công ty TNHH Doha Đầu tư và ông Tô Huy Vũ cùng giữ tỷ lệ 8,4% vốn. Công ty hoạt động trong lĩnh vực chính là hỗ trợ trực tiếp cho vận tải đường sắt và đường bộ, sửa chữa thiết bị điện tử và quang học, sửa chữa thiết bị điện… Năm 2018, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt 178,4 tỷ đồng và 5,6 tỷ đồng, cao hơn 13% và 14% so với 2017. Đây là năm thứ 4 liên tiếp công ty tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận.
Trong top 10 cổ phiếu tăng giá ở năm Kỷ Hợi ngoài 2 cổ phiếu nói trên còn có đến 7 mã khác là giao dịch tại sàn UPCoM. Một phần do biên độ dao động giá tại sàn UPCoM là lớn nhất (lên đến 15%), phần khác cũng là do bản thân các cổ phiếu này đa phần đều thuộc nhóm có thanh khoản thấp, lượng cổ phiếu lưu hành ngoài thị trường rất thấp nên việc tăng giá trở nên dễ dàng hơn.
Nếu chỉ tính với những cổ phiếu có khối lượng giao dịch bình quân 1 năm ở mức trên 50.000 đơn vị, cả thị trường cổ phiếu chỉ có 18 mã tăng giá trên 100%. SIP của Đầu tư Sài Gòn VRG (UPCoM: SIP) tăng giá mạnh nhất với 393%.
SIP là "tân binh" sàn UPCoM trong năm Kỷ Hợi 2019 khi lên giao dịch vào ngày 6/6 với giá tham chiếu 17.200 đồng/cp. Đến hết phiên giao dịch 22/1/2020, SIP đã lên lên 84.806 đồng/cp. Tuy nhiên, đà tăng của SIP chỉ diễn ra trong khoảng 2 tháng giao dịch và lập đỉnh 138.400 đồng/cp (20/8/2019), nhưng sau đó điều chỉnh đáng kể.
Đầu tư Sài Gòn VRG có vốn điều lệ 690 tỷ đồng và đang sở hữu 4 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích thương mại 2.280 ha, trong đó 2 khu tại TPHCM (Đông Nam và Lê Minh Xuân) và 2 khu khác ở Tây Ninh và Đồng Nai.
Cổ phiếu MBG của Tập đoàn MBG (HNX: MBG) tăng giá gần 280% trong năm Kỷ Hợi. Có thời điểm, MBG là cổ phiếu xuất hiện trong danh sách những tác động rất lớn đến diễn biến của HNX-Index.
MBG tiền thân là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Thương mại Việt Nam được thành lập năm 2007. Ngày 27/10/2015, cổ phiếu của Công ty được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội. Công ty hiện có vốn điều lệ 418 tỷ đồng.
Năm 2019, MBG lãi sau thuế hơn 21 tỷ đồng, tăng 50% so với cung kỳ năm trước trong đó riêng quý IV lãi gần 15 tỷ đồng. MBG cho biết, lợi nhuận quý IV tăng mạnh là do công ty ký được nhiều hợp đồng kinh tế có giá trị và đem lại lợi nhuận cao so với cùng kỳ.