Các công ty của bà Phạm Thị Hường đã "thôn tính" đất Bình Dương thế nào?
Mới đây, một nguồn tin từ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu- Bộ Công an (C03) cho hay đang xác minh vụ việc có dấu hiệu sai phạm liên quan đến việc phân lô bán nền và việc thực hiện các dự án của 4 công ty tại tỉnh Bình Dương.
Bốn công ty này gồm: Công ty TNHH bất động sản Phú Hồng Thịnh; công ty TNHH Quản lý đầu tư phát triển đô thị Việt Nam, công ty cổ phần Phú Gia Khiêm Land, công ty TNHH thương mại dịch vụ Bất động sản Phú Phong. Theo tìm hiểu của Etime, chủ của 4 doanh nghiệp này là bà Phạm Thị Hường.
Được biết, năm 2013, UBND tỉnh Bình Dương thành lập đoàn kiểm tra tình hình thực hiện phân lô bán nền trên địa bàn TX.Thuận An (nay là TP.Thuận An).
Đoàn kiểm tra đã phát hiện 9 lô đất có tổng diện tích 101.535 m2 ở P.An Phú (6 lô), P.Bình Chuẩn (2 lô) và P.Lái Thiêu (1 lô) do bà Phạm Thị Hường làm chủ đầu tư.
Theo Kết luận số 250/KL-UBND ngày 13/11/2014, cả 9 lô đất đều được thực hiện chia tách với hình thức phân chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân thành nhiều khu nhỏ trên dưới 2.000 m2.
Sau đó, vợ chồng bà Hường tách ra nhiều thửa nhỏ có diện tích khoảng 60 m2 bằng hình thức tặng cho các con và phân chia tài sản.
Kết luận số 250 xác định: 2/6 lô đất ở P.An Phú có diện tích 16.238 m2 không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất theo quyết định ngày 12/4/2010 của UBND tỉnh Bình Dương vì đây là đất quy hoạch công viên cây xanh. Thế nhưng, từ ngày 13 - 31.5.2011, Phòng TN-MT TX.Thuận An tham mưu cho UBND TX.Thuận An duyệt cho tách 2 lô đất trên (diện tích 16.238 m2) thành 312 thửa, rồi chuyển mục đích sang đất ở 310 thửa.
Kết luận số 250 cho rằng, việc cho chuyển mục đích sử dụng, tách thửa của UBND TX.Thuận An đã vi phạm Nghị định số 181/2004/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển mục đích sử dụng đất và không đúng quy hoạch chung xây dựng đô thị Thuận An tầm nhìn đến năm 2020 của UBND tỉnh Bình Dương…
Kết luận số 250 cũng xác nhận, việc tách thửa, chuyển mục đích sử dụng, phân lô bán nền có hệ thống, lặp đi lặp lại trong một thời gian ngắn, có dấu hiệu tiêu cực. Từ đó, UBND tỉnh Bình Dương chuyển vụ việc qua Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Dương làm rõ và có kiến nghị xử lý phù hợp.
Để phục vụ công tác xác minh, C03 Bộ Công an đề nghị UBND tỉnh Bình Dương cung cấp toàn bộ hồ sơ liên quan đến kết luận kiểm tra số 250/KL-UBND.
Đồng thời C03 cũng đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Cục thuế, UBND thành phố Thuận An, Dĩ An cung cấp toàn bộ hồ sơ tài liệu liên quan đến việc thực hiện 17 dự án bất động sản của 4 công ty nêu trên tại tỉnh Bình Dương.
Chênh lệch địa tô “khủng” chảy vào túi ai?
Thời gian qua, nhiều người dân Bình Dương vẫn không khỏi tò mò, ngạc nhiên khi những khu đất rộng hàng chục nghìn m2, vị trí mặt đường đẹp, đất của những nhà máy, xí nghiệp, có nguồn gốc đất phi nông nghiệp… đều lần lượt về tay nhóm doanh nghiệp tư nhân của bà Phạm Thị Hường.
Thông tin trên tạp chí Doanh nghiệp cho hay, theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, bà Phạm Thị Hường hiện là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH TMDV BĐS Phú Phong, Chủ tịch HĐQT tại Công ty TNHH BĐS Phú Hồng Thịnh, đồng thời là Tổng giám đốc Công ty TNHH Quản lý Đầu tư & Phát triển Đô thị Việt Nam. Theo thông kê, trong những năm gần đây, các doanh nghiệp của bà Hường là các DN "thôn tính" đất nhà máy, xí nghiệp nhiều nhất ở Bình Dương.
Ba doanh nghiệp tư nhân này được cấp giấy phép kinh doanh lần lượt vào các năm 2006, 2013 và 2017. Cả ba công ty cùng đăng ký trụ sở lần lượt tại số nhà 18A, 18B, 18C đường Nguyễn Văn Tiết, Khu phố Bình Hòa, (phường Lái Thiêu, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương). Số nhà 18C còn là địa chỉ của Công ty CP Phú Gia Khiêm Land, thành lập ngày 4/10/2018.
Được biết, từ năm 2015 đến nay, nhóm công ty của bà Phạm Thị Hường đã được UBND tỉnh Bình Dương ban hành các quyết định giao đất ít nhất 17 lần để làm các dự án nhà ở thương mại.
Chỉ trong vòng ba năm (năm 2017-2019), nhóm này đã được giao tới 500.000m2 đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở đô thị để làm dự án dưới dạng phân lô bán nền. Đây là thời điểm Bình Dương đề xuất thành lập Tp.Thuận An và Tp.Dĩ An (Quốc hội ra Nghị quyết chấp thuận vào cuối tháng 1/2020) khiến cho thị trường đất đai "sốt" sình sịch, giá đất tăng chóng mặt…
Có thể kể đến loạt 10 dự án khu nhà ở thương mại gắn với tên "Phú Hồng Thịnh" đã được UBND tỉnh Bình Dương giao tổng cộng 26,48 hecta đất, và cho phép chuyển mục đích sử dụng từ đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp thành đất ở đô thị. Sau đó, doanh nghiệp đã "hô biến" thành hơn 1.900 lô đất nền.
Đáng chú ý, UBND tỉnh Bình Dương đã liên tục ban hành các quyết định khá "lạ" về thu hồi đất của nhiều doanh nghiệp khác, đồng thời giao lại đất và cho phép nhóm công ty của bà Phạm Thị Hường chuyển đổi mục đích sử dụng đất để làm dự án nhà ở thương mại.
Tính riêng năm 2018 tỉnh Bình Dương đã giao cho bà Hường tới 8 khu đất thực hiện dự án bất động sản. Điều này, có nghĩa trung bình 45 ngày bà Hường được giao một khu đất. Đó là Khu nhà ở thương mại Phú Hồng Thịnh VIII (phường Bình Chuẩn, Tp.Thuận An, 7,3ha); Phú Hồng Thịnh IX (phường Bình An, Tp.Dĩ An, 4,7ha); Phú Hồng Thịnh X (phường Bình An, Tp.Dĩ An, 5,3 ha); Phú Hồng Khang (phường Bình Chuẩn, TP Thuận An, 3,4ha); Phú Hồng Lộc (phường Thuận Giao, TP Thuận An, 2,5ha); Phú Gia Huy (phường Bình Chuẩn, Tp.Thuận An, 3,7ha); Phú Hồng Đạt (phường Bình Chuẩn, Tp.Thuận An, 3ha); Phú Hồng Phát (phường Thuận Giao, Tp.Thuận An, 2,7ha).
Năm 2019, bà Hường tiếp tục được UBND tỉnh Bình Dương giao 4 khu đất làm Khu nhà ở thương mại Phú Vinh (phường Tân Đông Hiệp, Tp.Dĩ An, 2,65 ha); Phú Huy (phường Bình Chuẩn, Tp.Thuận An, 1,1ha); Khu nhà ở chuyên gia Phú Uy Khang (phường An Phú, Tp.Thuận An, 0,84 ha); Phú Gia (phường Tân Đông Hiệp, Tp.Dĩ An, 2,65ha).
Thậm chí, Công ty cổ phần Phú Gia Khiêm Land thành lập ngày 4/10/2018, có cùng địa chỉ với 3 công ty của bà Hường, đã được UBND tỉnh Bình Dương giao 0,67 ha đất chỉ sau vài tháng ra đời. Đến tháng 3/2020, tỉnh đã cho phép chuyển mục đích sử dụng từ đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp thành đất ở đô thị để xây Khu chung cư cao cấp Phú Hồng Thịnh tại phường An Phú, Tp.Thuận An theo quyết định số 739/QĐ-UBND.
Như vậy, theo thống kê ban đầu, chỉ trong ba năm, từ 2017-2019, ngay trước khi Quốc hội ra Nghị quyết về việc thành lập Tp.Thuận An và Tp.Dĩ An (được nâng cấp lên từ hai thị xã có vị trí nằm sát cạnh TP. HCM - NV) vào cuối tháng 1/2020, bà Hường đã được UBND Bình Dương giao khoảng 500 ngàn mét vuông đất xây các khu nhà ở thương mại với trên 3.737 thửa đất.
Dư luận cho rằng, đây chỉ là những con số có thực trên giấy tờ. Còn trên thực địa cho thấy tổng số đất mà bà Hường có được, số lượng các lô đất gấp rất nhiều lần?
Căn cứ Điều 118 Luật Đất đai quy định các trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở để bán, doanh nghiệp muốn Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất, thì buộc phải tuân theo hình thức đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất. Hơn nữa, Điều 22 và 23 Luật Nhà ở 2014 quy định muốn xây nhà ở thương mại để bán, chủ đầu tư phải "sử dụng diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng hợp pháp để xây dựng", hoặc "nhận chuyển quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai để xây dựng".
Do đó, tất cả các dự án xây nhà ở thương mại của nhóm công ty Phú Hồng Thịnh và bà Phạm Thị Hường đều không có quyền sử dụng đất ở hợp pháp, không nhận đất thông qua phương thức Nhà nước đấu giá đất…
Hơn nữa, nhiều lô đất công thuộc quản lý của UBND các phường Bình Chuẩn và Bình An cũng được giao cho doanh nghiệp tư nhân xây nhà ở thương mại, không thông qua đấu giá.
Những điều này làm dấy lên nghi vấn tỉnh Bình Dương có "ưu ái" giao quỹ đất rộng lớn, có giá trị thương mại cao cho nhóm doanh nghiệp tư nhân, bất chấp vi phạm quy định quản lý đất đai, nguy cơ thất thu ngân sách Nhà nước hàng nghìn tỉ đồng không?
Nhiều vụ án liên quan đất đai tại Bình Dương
Ngoài việc yêu cầu cung cấp hồ sơ đối với 17 dự án bất động sản và kết luận thanh tra nói trên, hiện nay Bộ Công an cũng trực tiếp điều tra hoặc chỉ đạo nhiều vụ án khác liên quan tới đất đai tại Bình Dương.
Tiêu biểu như Bộ Công an đã khởi tố, tạm giam ba lãnh đạo của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Thiên Phú (chủ đầu tư cũ của khu dân cư Hòa Lân, thành phố Thuận An) để điều tra về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Đối với vụ án chuyển nhượng 43ha liên quan doanh nghiệp thuộc Tỉnh ủy Bình Dương, hiện Bộ Công an giao cho Công an tỉnh Bình Dương điều tra nhưng phải thường xuyên báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của bộ. Hiện vụ án này đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ba lãnh đạo doanh nghiệp và tiếp tục mở rộng điều tra.