Các hãng hàng không mở thêm đường bay mới thu lại những lợi ích gì?
Hàng không đang phục hồi ra sao?
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết, về chỉ số an toàn tính trên 1000 chuyến bay so sánh với cùng kỳ năm 2022, các chỉ số có xu hướng giảm: chỉ số sự cố mức C giảm 60%, chỉ số sự cố mức D giảm 35%.
Thị trường vận chuyển hàng không nội địa 6 tháng đầu năm 2023 mặc dù giảm nhẹ so cùng kỳ 2021 tuy nhiên vẫn tăng trên 8% so cùng kỳ năm 2019 (thời điểm trước dịch Covid-19).
Các hãng hàng không Việt Nam đang khai thác 66 đường bay kết nối Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng với 19 cảng hàng không địa phương khác với trên 650 chuyến bay mỗi ngày.
Bên cạnh, việc tăng tần suất khai thác các đường bay hiện hữu, các hãng hàng không Việt Nam cũng khai thác một số đường bay mới như Vietjet Air mở mới đường bay Cần Thơ- Vân Đồn hay Bamboo Airways mở mới đường bay Hà Nội - Cà Mau.
Về thị trường hàng không quốc tế, ông Thắng cho hay, thị trường vận chuyển hàng không quốc tế đang phục hồi với sự tham gia khai thác trở lại của nhiều hàng hàng không quốc tế tăng gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2022 và bằng 72% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó các tháng 5, 6 đã đạt được gần 80% so cùng kỳ 2019.
Hiện tại, có 52 hãng hàng không nước ngoài và 5 hãng hàng không Việt Nam khai thác thị trường quốc tế với 143 đường bay kết nối 29 quốc gia vùng lãnh thổ là ở Bắc Mỹ, Châu Âu, Trung Đông, Châu Á và Châu Phi tới Hà Nội, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, Cam Ranh, Phú Quốc, Đà Lạt.
Một số thị trường có sự tăng trưởng cao so với trước dịch như Thái Lan, Indonesia, Úc (tăng 10 - 30% so với năm 2019), thị trường Nhật Bản đã đạt xấp xỉ cùng kỳ 2019, một số thị trường khác như Đông Nam Á, Trung Đông, Châu Âu đang đang có sự hồi phục nhanh và đặc biệt là thị trường Ấn Độ (thị trường mới) có sự phát triển rất nhanh.
Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc, Hồng Kông, Ma - Cau, Hàn Quốc có tốc độ hồi phục chậm hơn so với tổng thể. Từ Lịch bay mùa Hè 2023, các hãng hàng không Việt Nam đã đẩy mạnh hoạt động khai thác từ các cảng hàng không Đà Nẵng, Cam Ranh đến Hàn Quốc, Trung Quốc.
Cũng theo ông Thắng, công tác phục vụ hành khách, an ninh an toàn hàng không 6 tháng đầu năm được đảm bảo, chất lượng dịch vụ được duy trì và nâng cao, đặc biệt là các giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán, Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ 30/4 - 01/5 đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ chính hành khách, công luận, các cơ quan báo chí, truyền thông.
Việc thử nghiệm và ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động vận tải hàng không (mô hình tối ưu hóa việc ra quyết định tại cảng hàng không -ACDM, hệ thống sinh trắc sử dụng tài khoản định danh điện tử -VNeID) đã nâng cao năng lực điều hành và khả năng phục vụ tại các cảng hàng không góp phần giảm việc ùn tắc tại các cảng hàng không, cải thiện đáng kể tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến bay.
Bên cạnh kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2023 thì các chỉ số quan trọng liên quan an toàn hàng không đều giảm đi. Điều này cho thấy, việc giám sát sự tuân thủ quy trình, quy định trong hoạt động khai thác, bảo dưỡng tàu bay cũng như điều hành bay cần phải tiếp tục được giám sát chặt chẽ cũng như có biện pháp chế tài mạnh để giảm thiểu số sự cố.
Thủ tục bay bằng ứng dụng VNeID gặp khó
Ngày 24/7 vừa qua, Cục Hàng không Việt Nam cũng đã có văn bản báo cáo Bộ GTVT về một số khó khăn vướng mắc trong việc thí điểm ứng dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 (VNeID) đối với hành khách khi làm thủ tục bay.
Cụ thể, ngay sau khi được Bộ GTVT đồng ý, đơn vị đã triển khai thí điểm ứng dụng tài khoản VNeID đối với hành khách khi làm thủ tục lên máy bay tại các sân bay.
Thời gian thực hiện từ ngày 1/6 đến hết ngày 1/8 đối với các chuyến bay nội địa.
Tại các sân bay đã sử dụng phương pháp kiểm tra tài khoản VNeID bằng trực quan mắt thường. Trường hợp đặc biệt, nếu cần kiểm tra tính thật/giả của tài khoản VNeID thì dùng tài khoản của nhân viên kiểm soát an ninh hàng không để quét mã QR code.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, trong quá trình triển khai đã có những bất cập như: Sử dụng tài sản cá nhân của nhân viên hàng không để thực hiện kiểm tra tài khoản VNeID; Tại một số cảng hàng không, nhất là vùng núi, hải đảo, đường truyền sóng điện thoại, internet không ổn định, nên thời gian kiểm tra kéo dài hơn bình thường, thậm chí có lúc không thể mở được tài khoản VNeID.
Cùng với đó, hành khách là người già gặp khó khăn khi thao tác trên điện thoại; Hành khách sử dụng tài khoản VNeID đi máy bay và mã checkin online trên cùng một thiết bị gây khó khăn trong việc kiểm tra, đối chiếu thông tin trên vé và thông tin trên giấy tờ tùy thân của hành khách.
Thông tin ngày hết hạn của CCCD hiện trên phần mềm VNeID cỡ chữ nhỏ, khó nhìn (đặc biệt đối với những điện thoại có kích thước màn hình nhỏ)...
Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT áp dụng việc chấp nhận tài khoản VNeID đối với hành khách đi máy bay như phương án thí điểm và đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan chủ động tìm giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc phát sinh, theo chức năng, nhiệm vụ", đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho hay.
Song song với việc chấp nhận tài khoản VNeID với việc kiểm tra trực quan bằng mắt thường như trên, Cục cũng đề nghị Bộ GTVT có văn bản gửi Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo ACV khẩn trương thực hiện các thủ tục đầu tư, mua sắm thiết bị theo quy định của pháp luật để giải quyết những khó khăn, bất cập trong quá trình áp dụng thí điểm như trên.