Cần sớm thành lập sàn giao dịch lúa, gạo tại Quảng Trị
Lợi ích từ liên kết “5 nhà”
Dự án phát triển lúa VietGAP, lúa hữu cơ Quảng Trị do Công ty CP Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị (Sepon Group) làm chủ đầu tư có mục tiêu hình thành, phát triển các vùng sản xuất chuyên canh lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP thông qua hợp tác với Hợp tác xã.
Nâng cao chất lượng sống của người dân trồng lúa. Xây dựng và định hình mô hình liên kết giữa 5 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà cung cấp tín dụng). Xây dựng thương hiệu sản phẩm gạo sạch, gạo hữu cơ Quảng Trị để xuất khẩu. Thành lập sản giao dịch lúa gạo để tăng giá trị khi trái vụ. Áp dụng dịch vụ nông nghiệp vào sản xuất để giảm chi phí...
Dự án cũng sẽ góp phần hoàn thành và xây dựng đề án quy hoạch vùng sản xuất lúa hữu cơ Quảng Trị trong giai đoạn 2021 - 2022. Đến năm 2025 toàn tỉnh có trên 1.000ha lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ, trên 3.000ha đạt tiêu chuẩn VietGAP và đến năm 2030 sẽ có hơn 7.000ha lúa VietGAP (chiếm 35% sản lượng lúa toàn tỉnh)...
Dự án sẽ triển khai thí điểm tại Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng với tổng mức đầu tư khoảng 600 tỷ đồng.
Giai đoạn 2021 - 2022 sẽ đưa nhà máy sấy công suất 200 tấn/ngày, kho chứa lúa công suất 2.000 tấn đi vào hoạt động. Có 200ha sản xuất lúa hữu cơ, 300ha sản xuất lúa VietGAP. Mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Thành lập sàn giao dịch lúa, gạo Quảng Trị...
Để dự án sớm được triển khai, nhà đầu tư kiến nghị chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng thương hiệu tập thể “Gạo hữu cơ Quảng Trị” kèm các tiêu chí, tiêu chuẩn để tổ chức, cá nhân đạt được thì sử dụng thương hiệu này. Hỗ trợ người dân xây dựng khu sản xuất, chi phí giống, phân bón, bù năng suất trong 2 năm đầu. Đồng ý đề nhà đầu tư phối hợp với các địa phương quy hoạch vùng nguyên liệu lúa hữu cơ, VietGAP...
Phù hợp với xu thế tất yếu
Trên cơ sở đánh giá hiệu quả, tính khả thi của dự án hoàn toàn phù hợp với điều kiện thực tiễn cũng như xu thế phát triển của tỉnh. Ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị chia sẻ: Nếu như trước đây sản xuất nông nghiệp của địa phương vẫn đang còn manh mún, nhỏ lẻ, hiệu quả thấp, thì những năm trở lại đây việc tích cực chuyển đổi sản xuất, cách nghĩ, cách làm mới đã giúp Quảng Trị tìm ra con đường phát triển nông nghiệp bền vững, xoay chuyển được tình hình trong sản xuất nông nghiệp.
Dự án phát triển lúa VietGAP, lúa hữu cơ Quảng Trị do Công ty CP Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị làm chủ đầu tư được đánh giá hứa hẹn sẽ đem đến hiệu quả cao cho người nông dân, được canh tác, phát triển trên chính mảnh đất do mình làm chủ, phù hợp với xu thế nông nghiệp 4.0 mà tỉnh đang hướng đến.
Trên cơ sở đồng tình với cách tổ chức phân kỳ theo từng giai đoạn của Công ty cũng như cách tổ chức thực hiện dự án, lãnh đạo UBND tỉnh đề nghị Công ty phối hợp với các địa phương, ngành chức năng làm tốt công tác quy hoạch, phát triển cánh đồng lúa hữu cơ, giao các huyện thực hiện đưa vào quy hoạch, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
Việc chọn địa điểm thực hiện phải đảm bảo giao thông thuận tiện, được người dân đồng tình hưởng ứng... Quá trình triển khai phải phân rõ trách nhiệm cần làm của người dân, địa phương, các ngành chức năng, đầu ra của sản phẩm, chất lượng phải đạt chuẩn...
Đặc biệt sớm hình thành sàn giao dịch lúa gạo đầu tiên tại Quảng Trị, một mục tiêu hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển nông nghiệp của địa phương thời gian tới.
Mô hình này được các doanh nghiệp và nông dân mong đợi nhằm giúp nông dân định giá sản phẩm của mình làm ra, tránh những đợt biến động giá bất thường làm thiệt hại cho doanh nghiệp lẫn nông dân.
“Đây cũng là cơ hội để nông dân tập trung đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng hạt gạo cũng như tăng khả năng cạnh tranh của gạo hữu cơ Quảng Trị ở thị trường trong nước cũng như thế giới” - ông Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh.
UBND tỉnh cơ bản đồng ý với các đề xuất của nhà đầu tư và giao nhiệm vụ cho các ngành chức năng đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các chính sách ưu đãi đầu tư để dự án được triển khai trong thời gian sớm nhất.