Cao su Tây Ninh (TRC) chưa có ý định thoái cổ phiếu quỹ, chốt chia cổ tức 2022 tỷ lệ 10%

30/06/2023 07:30 GMT+7
Tại ĐHĐCĐ năm 2023, TRC cho biết hiện chưa có kế hoạch chuyển nhượng một phần hay toàn bộ cao su Tây Ninh Siêm Riệp để lấy vốn làm Khu Công nghiệp và cũng chưa có ý định thoái cổ phiếu quỹ để bổ sung vốn hay giảm nợ vay.

Công ty Cổ phần Cao su Tây Ninh (HoSE: TRC) vừa công bố Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.

Cao su Tây Ninh (TRC) chốt chia cổ tức 10%

Tổng doanh thu hợp nhất năm 2022 của Cao su Tây Ninh ghi nhận 561,1 tỷ đồng, vượt 16,3% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 75 tỷ đồng, đạt 77% so với thực hiện năm 2021.

Cao su Tây Ninh (TRC) chưa có ý định thoái cổ phiếu quỹ - Ảnh 1.

Kế hoạch kinh doanh sản xuất năm 2023. Ảnh: Nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2023.

Cao su Tây Ninh xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 với sản lượng khai thác 8.000 tấn, sản lượng chế biến 9.600 tấn, sản lượng tiêu thụ 8.600 tấn.

TRC kỳ vọng tổng doanh thu năm 2023 tối thiểu đạt 373,1 tỷ đồng, tổng lợi nhuận sau thuế đạt tối thiểu gần 68,2 tỷ đồng, giảm lần lượt 33,5% và 9% so với thực hiện năm 2022. Tổng đầu tư phát triển tối đa 234,2 tỷ đồng.

ĐHĐCĐ TRC thông qua phương án chia cổ tức năm 2022 tỷ lệ 10% mệnh giá, tương đương 29,1 tỷ đồng. Dự kiến năm 2023 chia cổ tức tối thiểu 7,5%.

Để đạt kế hoạch đề ra, HĐQT định hướng tiếp tục khai thác và quản lý 4.156ha cao su kinh doanh, chăm sóc tốt 2.694ha vườn cây KTCB, tiếp tục phát huy sử dụng cơ giới vào việc chăm sóc vườn cây, tiếp tục thực hiện và duy trì chứng chỉ rừng VFCS/PEFC, chứng nhận CoC về quản lí rừng bền vững, tiếp tục áp dụng hệ thống tiêu chuẩn ISO 9001 & 14001:2015, ISO/IEC 17025:2017, chương trình sản xuất tinh gọn Lean…

Cao su Tây Ninh (TRC) chưa có ý định thoái cổ phiếu quỹ

TRC chưa có kế hoạch chuyển nhượng một phần hay toàn bộ cao su Tây Ninh Siêm Riệp để lấy vốn làm Khu Công nghiệp và cũng chưa có ý định thoái cổ phiếu quỹ để bổ sung vốn hay giảm nợ vay.

Cao su Tây Ninh cho biết, Tập đoàn đang xin chủ trương đầu tư Khu Công nghiệp, khi được phê duyệt sẽ phân bổ tùy theo tình hình thực tế của các Công ty. Hồ sơ Khu Công nghiệp được trình ở các bộ xem xét lấy ý kiến và trình Chính phủ phê duyệt. Sau khi có thông tin cụ thể về Khu Công nghiệp, Cao su Tây Ninh sẽ công bố thông tin theo quy định.

Vườn cây Tây Ninh Siêm Riệp trên đất rừng nguyên sinh nên tiềm năng rất lớn kết hợp với kiểm soát quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt nên năng suất qua từng năm dần dần tăng lên.

Hiện nay, Tây Ninh Siêm Riệp lỗ là do tài chính. Vì vậy, khi sản lượng tăng lên thì doanh thu tăng lên dẫn đến lợi nhuận tăng lên sẽ là cơ sở để TRC nhanh trả nợ gốc và khả năng sẽ sinh lời trong tương lai gần.

Về việc chuyển đổi một phần đất cao su sang Khu Công nghiệp, TRC cho biết, đây là định hướng lớn, dài hạn và phụ thuộc vào sự phân bố của tỉnh Tây Ninh và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Do đó, sau khi có thông tin cụ thể về Khu Công nghiệp, TRC sẽ công bố thông tin theo quy định đến quý cổ đông.

Từ ngày 1/6/2023, Công ty CP Cao su Tây Ninh bổ nhiệm chức vụ Phó Tổng giám đốc Công ty cho ông Hồ Trung Nghĩa nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Trong quý I/2023, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ ghi nhận 106,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.545 tỷ đồng, giảm lần lượt 12% và 49,6% so với quý I/2022.

Giải trình về việc lợi nhuận sau thuế từ hoạt động bán mủ cao su giảm, TRC cho biết, do giá bán mủ quý I/2023 là 33,3 triệu đồng/tấn; giá bán mủ bình quân quý I/2022 là 41,5 triệu đồng/tấn. Do đó, giá bán mủ quý I/2023 giảm 8,2 triệu đồng/tấn so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế từ hoạt động khác giảm là do hoạt động bán cây cao su thanh lý quý I/2023 chưa thực hiện.

Tại ngày 31//3/2023, TRC ghi nhận tổng tài sản 1.951 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Tổng nợ phải trả hơn 375 tỷ đồng, giảm 7,3% so với đầu năm, trong đó, nợ vay ngắn hạn 181,6 tỷ đồng, giảm 10% so với đầu năm.

Khánh Ly
Cùng chuyên mục