Cao su Thống Nhất và Cao su Hòa Bình muốn chuyển đổi đất trồng cao su sang đất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Theo đó, TNC xin chủ trương chuyển đổi một số diện tích từ cây cao su sang trồng cây ăn quả theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, do đang vướng mắc quy hoạch diệt tích đất trồng cây cao su chưa được thông qua nên các Sở, ngành không thể đề xuất cho TNC chuyển đổi trong năm 2020.
Công ty Cổ phần Cao su Thống Nhất đề nghị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sớm phê duyệt quy hoạch tổng thể diện tích đất chuyển đổi, doanh nghiệp sẽ căn cứ vào tình hình thực tế để chuyển đổi cho phù hợp.
Về vấn đề này, Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn đã có văn bản số 1443 ngày 10/5/2021 và Sở Tài nguyên và Môi trường có văn bản số 2492 ngày 6/5 trả lời doanh nghiệp.
Tương tự, Công ty Cổ phần Cao su Hòa Bình có văn bản gửi UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc lập quy hoạch sử dụng đất 2021 - 2030 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021 - 2025 theo định hướng quy hoạch chung. Trong đó, chuyển đổi mục đích trồng cây cao su sang trồng cây công nghiệp khác ứng dụng công nghệ cao; chuyển sang các loại đất khác gồm khu/cụm công nghiệp; nông nghiệp công nghệ cao.
HRC cho biết thêm, theo nội dung công văn 7466 ngày 17/11/2020 của Sở Tài nguyên và Môi trường thì doanh nghiệp không được hỗ trợ từ các Sở, ngành về vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Do vậy, Cao su Hòa Bình đề nghị tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu xem xét, hỗ trợ tạo điều kiện ủng hộ chủ trương của doanh nghiệp.
Phản hồi HRC, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản 7466 ngày 17/11/2020 và văn bản 11 ngày 18/1/2021 trả lời doanh nghiệp.
Về tình hình kinh doanh, 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần của Công ty Cổ phần Cao su Hòa Bình đạt hơn 66 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ. Nhưng nhờ giá vốn giảm, lãi gộp của Công ty lại gấp 3 lần nửa đầu năm 2020, đạt gần 13 tỷ đồng.
Tuy nhiên do lợi nhuận khác giảm mạnh 91%, từ 5,8 tỷ đồng chỉ còn 548 triệu đồng. Kết quả, lãi sau thuế 6 tháng giảm 9% so với cùng kỳ, chỉ còn hơn 2,1 tỷ đồng.
Với kết quả này, HRC vẫn vượt 110% so với kế hoạch lãi sau thuế 1 tỷ đồng được đề ra cho cả năm 2021.
Trong khi đó, 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của TNC ghi nhận “đi lùi” 11% so với cùng kỳ, đạt 26,3 tỷ đồng, chủ yếu do sự sụt giảm của doanh thu bán mủ cao su. Thế nhưng, nhờ giá vốn được tiết giảm, lợi nhuận gộp cả kỳ đạt hơn 5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ xấp xỉ 1 tỷ đồng.
Đáng nói, dù lãi gộp tăng đột biến nhưng nhiêu đó vẫn chưa đủ để giữ cho kết quả kinh doanh của TNC trong nửa đầu năm 2021 tăng trưởng. Tính hết tháng 6/2021, TNC báo lãi ròng gần 23 tỷ đồng, giảm 54% so với năm ngoái. Nguyên nhân sụt giảm lợi nhuận đến từ sự suy giảm mạnh của lượng cổ tức được chia và thu nhập từ thanh lý cây cao su.
Với kết quả này, TNC đã hoàn thành được hơn 75% mục tiêu lợi nhuận của cả năm 2021 được doanh nghiệp công bố trong tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 (TNC vẫn chưa tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2021).
Đáng chú ý, tại tài liệu này ban lãnh đạo TNC đặt mục tiêu lợi nhuận của năm 2021 chỉ 30 tỷ đồng, giảm hơn 45% so với mức lợi nhuận gần 55 tỷ đồng của năm 2020.