Cao su Việt Nam (GVR): Ông Trần Ngọc Thuận xin từ nhiệm, ước lãi hơn 1.100 tỷ đồng trước thuế sau 5 tháng

29/06/2024 08:05 GMT+7
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (mã: GVR) vừa ra thông báo về việc đã nhận được đơn xin từ nhiệm của ông Trần Ngọc Thuận.

Cụ thể, ông Trần Ngọc Thuận đã có đơn xin từ nhiệm vị trí Thành viên Hội đồng quản trị. Theo đó HĐQT GVR sẽ trình Đại hội đồng cổ đông gần nhất xem xét thông qua thủ tục miễn nhiệm.

Ông Trần Ngọc Thuận (SN 1960) là kỹ sư Cơ khí Nông nghiệp. Ông Thuận có thời gian dài gắn bó với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.

Từ ngày 1/1/2012, Ông Thuận được bổ nhiệm làm Thành viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam với nhiệm vụ chính là phụ trách Hội đồng thành viên Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam.

Cao su Việt Nam (GVR): Ông Trần Ngọc Thuận xin từ nhiệm, ước lãi hơn 1.100 tỷ đồng trước thuế sau 5 tháng- Ảnh 1.

Ông Trần Ngọc Thuận xin từ nhiệm

Tháng 5/2018 - 1/2022, ông Thuận được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam.

Tháng 1/2022, ông Thuận là Thành viên HĐQT GVR. Tại Báo cáo quản trị năm 2023, ông Trần Ngọc Thuận đang nắm 0,00762% vốn điều lệ GVR. Năm 2020, Ông Trần Ngọc Thuận lọt Top 5 tỷ phú giàu nhất sàn chứng khoán Việt.

GVR  ước lãi trước thuế đạt 1.108 tỷ đồng sau 5 tháng

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam lên kế hoạch kinh doanh năm 2024 với doanh thu 24.999 tỷ đồng, tăng 1,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 3.437 tỷ đồng, tăng 2% so với thực hiện trong năm 2023.

Theo chia sẻ mới đây của ban lãnh đạo GVR, tính chung 5 tháng đầu năm nay, sản lượng tiêu thụ toàn tập đoàn đạt 150.000 tấn, đạt 29% kế hoạch năm. Đáng chú ý, giá bán bình quân đạt tới 38,4 triệu đồng/tấn - mức cao nhất 2 năm trở lại đây, cao hơn tới 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Qua đó, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam thu về khoảng 1.108 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 5 tháng đầu năm nay, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2023, và hoàn thành 32,2% kế hoạch cả năm nay.

Theo SSI Research, dự báo doanh thu năm nay của GVR sẽ đạt 24.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 3.700 tỷ đồng, lần lượt tăng 10,7% và 11,4% so với năm 2023, cũng như vượt xa kế hoạch mà tập đoàn này đang đề ra. Tập đoàn này đang khai thác 11 khu công nghiệp hiện hữu với tổng diện tích 6.566 ha thông qua các công ty con và công ty liên kết.

Năm nay, Cao su Việt Nam dự kiến sẽ chi khoảng 1.000 tỷ đồng để phát triển các khu công nghiệp mới, mức đầu tư này tăng tới 77% so với năm 2023.

Trong đó, dự án Khu công nghiệp Nam Tân Uyên 3 với tổng diện tích 344 ha (Cao su Việt Nam sở hữu 20,42% vốn) đang chờ quyết định nộp tiền sử dụng đất của UBND tỉnh Bình Dương. Sau đó, dự án này sẽ được UBND tỉnh Bình Dương tiến hành bàn giao đất, xây dựng cơ sở hạ tầng, và dự kiến đi vào khai thác thương mại từ năm 2025.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thẩm định và đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 03 dự án khu công nghiệp lớn khác của Cao su Việt Nam, gồm: Khu công nghiệp Bắc Đông Phú với tổng diện tích 317ha (Cao su Việt Nam sở hữu 28,17% vốn); Khu công nghiệp Rạch Bắp với tổng diện tích 360 ha (Cao su Việt Nam sở hữu 92,67% vốn); và Khu công nghiệp Minh Long 3 với tổng diện tích 577,3 ha (Cao su Việt Nam sở hữu 39,8% vốn).

Sau khi có quyết định phê duyệt cuối cùng, các dự án trên sẽ tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng, nộp tiền sử dụng đất và xây dựng cơ sở hạ tầng. Cao su Việt Nam hiện đang đẩy nhanh việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý, đảm bảo phê duyệt đầu tư và thực hiện đầu tư phát triển khu công nghiệp, phù hợp với chiến lược quy hoạch sử dụng đất ở nhiều tỉnh từ năm 2025 đến năm 2030.

Dự kiến tổng diện tích đất khu công nghiệp của Cao su Việt Nam trong giai đoạn 2025 – 2030 sẽ đạt 23.444 ha, tăng gấp 3,6 lần so với năm 2024, tập trung ở các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Liên quan tới Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, ngày 24/5, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam hoặc cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Lê Quang Thung (cựu Tổng giám đốc, nguyên quyền Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam) và ông Huỳnh Trung Trực (cựu Phó tổng giám đốc Tập đoàn).

Cả hai cựu lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam bị điều tra về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Cùng ngày, Cơ quan điều tra Bộ Công an cũng ra quyết định khởi tố các bị can gồm bà Nguyễn Thị Gái (cựu Tổng giám đốc Công ty Cao su Đồng Nai); Nguyễn Công Tài (cựu Chủ tịch HĐTV Công ty Cao su Bà Rịa); Nguyễn Trọng Cảnh (cựu Phó tổng giám đốc Công ty Cao su Bà Rịa); Lê Y Linh (cựu Giám đốc Công ty TNHH thương mại tổng hợp Việt Tín); Đặng Phước Dừa (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư thương mại Việt Tín); và Nguyễn Thành Châu (cựu Chủ tịch HĐTV Công ty Cao su Đồng Nai).

Những người trên cùng bị điều tra về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Theo Bộ Công an, cựu Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam và các bị can có vi phạm trong dự án khu đất 39-39B Bến Vân Đồn, phường 12, quận 4, TP.HCM.

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đang củng cố tài liệu, chứng cứ đối với sai phạm của các bị can đã khởi tố, đồng thời tiếp tục mở rộng điều tra vụ án, làm rõ các sai phạm khác của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan, áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước.

Mi Lan
Cùng chuyên mục