Cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ được tháo gỡ vướng mắc về nguồn vốn?
Cụ thể, để đảm bảo tiến độ hoàn thành công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, Bộ GTVT yêu cầu các Thứ trưởng tổ chức ngay đoàn công tác để kiểm tra hiện trường các dự án sử dụng vốn đầu tư công được giao phụ trách.
Trong đó, cần tập trung làm việc với lãnh đạo các địa phương để xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về GPMB; Chỉ đạo các cơ quan tham mưu của Bộ, các chủ đầu tư, ban QLDA và nhà thầu thi công khẩn trương xử lý, giải quyết các thủ tục đầu tư; Tập trung thi công ở hiện trường để đẩy nhanh tiến độ, kế hoạch giải ngân đã đăng ký, đảm bảo hoàn thành dự án theo đúng tiến độ.
Bộ GTVT cũng yêu cầu lãnh đạo các cơ quan tham mưu khẩn trương rà soát hồ sơ, văn bản đang được chủ đầu tư, ban QLDA trình để tập trung chỉ đạo, xử lý, giải quyết đáp ứng tiến độ dự án.
Bên cạnh đó, Tổng giám đốc, giám đốc, các chủ đầu tư, ban QLDA chỉ đạo tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công sớm hoàn thành các thủ tục phê duyệt thiết kế, dự toán, lựa chọn nhà thầu, giải quyết kịp thời các thủ tục nghiệm thu, thanh toán.
Phối hợp chặt chẽ với địa phương để xử lý dứt điểm các vướng mắc về mặt bằng; tập trung chỉ đạo nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo chất lượng công trình, ATGT, hoàn thành dự án theo đúng hợp đồng đã ký, đảm bảo tiến độ giải ngân dự án theo kế hoạch giải ngân đã đăng ký trong năm 2020", Bộ GTVT chỉ đạo.
Đối với dự án xây dựng một số đoạn đường bộ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2016 - 2020, Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương xử lý các tồn tại, vướng mắc trong thiết kế kỹ thuật, dự toán, hồ sơ mời thầu.
Cùng với đó, chủ động đề xuất giải pháp để xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, hoàn thành đúng tiến độ các thủ tục, hồ sơ theo quy định để phát hành hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP của 8 dự án vào cuối tháng 5 này.
Trước đó, Chính phủ có tờ trình đề xuất Quốc hội xem xét chuyển đổi hình thức 8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam từ đối tác công - tư (PPP) sang đầu tư công sử dụng 100% vốn NSNN. Việc chuyển đổi này hy vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích và lựa chọn được nhà đầu tư có đủ năng lực tham gia dự án.
Theo, TS. Nguyễn Hữu Đức, Chuyên gia giao thông đánh giá, nguồn vốn để đầu tư PPP thời gian qua chủ yếu là vốn vay tín dụng của các ngân hàng trong nước. Trong khi đó, rủi ro của các dự án BOT giao thông đến nay vẫn chưa thể giải quyết bởi nhiều dự án đang thua lỗ, doanh thu từ thu phí không đủ trả lãi ngân hàng.
TS. Đức cho rằng, Do đó, trong giai đoạn này, Chính phủ đề xuất chuyển đổi hình thức đầu tư 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công là rất đúng đắn để tránh rủi ro cho ngân hàng. Bởi nếu hệ thống ngân hàng sụp đổ thì hệ lụy cho nền kinh tế là khôn lường. Ngoài ra, chuyển sang đầu tư công 8 dự án này cũng là cách Nhà nước bơm tiền để thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là giai đoạn sau khi chịu hậu quả nặng nề của dịch Covid-19.