Chấm sao, đưa đặc sản lên ngôi
Thực hiện Quyết định số 490 ngày 7-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), nhiều địa phương ở ĐBSCL đã tập trung phát triển sản phẩm, dịch vụ có lợi thế ở địa phương theo chuỗi giá trị và đạt nhiều kết quả tích cực.
Nhiều nỗ lực sáng tạo được ghi nhận
Để có sản phẩm OCOP, hội đồng đánh giá sản phẩm cấp huyện, cấp tỉnh phải trải qua nhiều bước, trong đó có việc chấm điểm, xếp hạng sao sản phẩm dựa trên bộ tiêu chí do trung ương ban hành.
Tỉnh Đồng Tháp xếp hạng sao cho 70 sản phẩm thuộc OCOP, với 23 sản phẩm 4 sao và 47 sản phẩm 3 sao của 4 ngành: thực phẩm, đồ uống, thảo dược, thủ công mỹ nghệ và trang trí. Trong số này, bên cạnh các đơn vị đã khẳng định uy tín trên thị trường với các sản phẩm quen thuộc như bột, hủ tiếu, khô cá, nem, bánh phồng tôm, xoài, quýt hồng..., có nhiều doanh nghiệp mới khởi nghiệp với các sản phẩm chất lượng cao, ý tưởng độc đáo.
Điển hình là Công ty TNHH MTV Nam Huy Đồng Tháp với các sản phẩm từ trái cây sấy, trong đó sen sấy và mít sấy đạt 4 sao. Công ty TNHH Tinh dầu Hương Đồng Tháp được xếp hạng 4 sao cho các loại tinh dầu được chiết xuất từ: bưởi Cao Lãnh, bạc hà Sa Đéc, quýt Lai Vung, sả chanh Sa Đéc, tràm gió Tràm Chim...
Trong khi đó, tỉnh Tiền Giang trong năm 2020 đã phấn đấu nâng cấp 1 sản phẩm OCOP 4 sao lên 5 sao; 1 sản phẩm 3 sao lên 4 sao và phát triển ít nhất 20 sản phẩm mới đạt 3 sao trở lên. Để chương trình OCOP được triển khai sâu rộng và phát huy hiệu quả, thời gian tới, ngành nông nghiệp Tiền Giang sẽ rà soát các sản phẩm truyền thống, có lợi thế phát triển bền vững để hướng dẫn, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp hoàn chỉnh hồ sơ đăng ký tham gia.
Sau gần 2 năm triển khai thực hiện chương trình OCOP, mới đây, UBND TP Cần Thơ đã trao quyết định công nhận 4 sản phẩm đặc sản đầu tiên đạt chứng nhận OCOP gồm: mắm cá tra, bánh tráng dừa, bánh tráng ngọt, rượu mận Sáu Tia. Trong đó, mắm cá tra và rượu mận Sáu Tia được xếp hạng 4 sao, 2 sản phẩm còn lại 3 sao.
Ông Chương Văn Khanh (56 tuổi; ngụ phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt) - người sản xuất mắm cá tra, cho biết hơn 4 năm trước, ông nuôi 6 ao cá tra, mỗi vụ bán ra khoảng 4.000 tấn. Nhưng giá cá tra trồi sụt thất thường nên ông lấy cá tra nguyên liệu làm mắm. "Ban đầu tôi chỉ làm ăn trong nhà, sau đó biếu cho nhiều người. Họ ăn khen ngon nên tôi cùng vợ quyết định làm mắm cá tra bán. Khoảng 8 tháng trước, tôi gửi hồ sơ tham gia chương trình OCOP và đã được chứng nhận. Hiện nay, ai đến Tân Lộc cũng biết đến đặc sản này" - ông Khanh phấn khởi nói và khoe hiện mỗi tháng cơ sở bán ra thị trường khoảng 1 tấn mắm với giá 120.000 đồng/kg.
Sản phẩm Hương Đồng Tháp của Công ty TNHH Tinh dầu Hương Đồng Tháp với chuẩn OCOP đạt 4 sao. Ảnh: TÂM MINH
Tận dụng cái có sẵn
Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, nhìn nhận Đồng Tháp đã và đang có đầy đủ "nguyên liệu" để vận hành chương trình OCOP. Cụ thể trước đó, địa phương có chương trình khởi nghiệp; chương trình phát triển chất lượng, bao bì, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; không gian cộng đồng hội quán với những người nông dân đam mê sáng tạo; ý tưởng làng thông minh kích hoạt sự năng động của xóm làng bằng công nghệ… Theo ông Lê Minh Hoan, đây là các yếu tố tiền đề để thực hiện thành công chương trình OCOP và chương trình này sẽ tạo ra giá trị gia tăng mới từ tài nguyên bản địa.
Bên cạnh đó, để chương trình OCOP phát huy hiệu quả, Đồng Tháp còn đề ra 9 giải pháp trọng tâm, trong đó tập trung chuẩn hóa và phát triển sản phẩm; vận dụng các cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực tham gia; tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ nhằm tăng hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm...
Kỳ vọng vươn ra thế giới
Theo ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng theo bộ tiêu chí 3 phần: sức mạnh cộng đồng (35 điểm), khả năng tiếp thị (25 điểm) và chất lượng sản phẩm (40 điểm). Các sản phẩm OCOP được đánh giá từ 4-5 sao chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu...
Bày tỏ vinh dự khi được chọn là sản phẩm OCOP, ông Huỳnh Văn Hiệp, Giám đốc Công ty Nam Huy Đồng Tháp, nói: "Chứng nhận OCOP sẽ là chất xúc tác giúp sản phẩm của doanh nghiệp phát triển, vươn xa ra thị trường thế giới".