Chân dung cô gái Việt lập startup giải quyết khó khăn mà 1 tỷ người trên toàn thế giới đang gặp phải
Đại dịch Covid-19 đã thổi bùng cuộc cách mạng trong lĩnh vực giáo dục, trường học công và học trực tuyến, đẩy nhu cầu với những ứng dụng học điện tử tăng cao.
Một trong số những ứng dụng như vậy mang tên ELSA - nền tảng ngôn ngữ dựa trên AI được thiết kế để giúp những người học tiếng Anh cải thiện việc phát âm và kỹ năng nói thông qua những bài học ngắn trên ứng dụng.
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, ELSA đã bùng nổ và đạt 11 triệu người dùng, tiếp cận những thị trường mới trong bối cảnh nhiều quốc gia phong tỏa và thúc đẩy nhu cầu mới với các giải pháp học dựa trên công nghệ.
Ít ai biết rằng, tạo lập nên ELSA là một cô gái Việt có bằng MBA từ đại học Stanford danh giá mang tên Vu Van. Tuy nhiên, hành trình để đạt được thành công như ngày hôm nay của Vu Van không hề dễ dàng.
Giải quyết vấn đề của 1 tỷ người
Trò chuyện với CNBC, Van Vu vẫn nhớ những khó khăn thủa ban đầu lập nghiệp. Đến Mỹ học tập và đi làm đã lâu nhưng Vu Van vẫn nhận thấy bản thân còn thiếu tự tin khi nói chuyện mặc dù tiếng Anh của cô khá tốt.
Trùng hợp là một số người bạn của Vu Van vốn không phải người nói tiếng Anh gốc cũng gặp vấn đề tương tự. Những lo ngại về việc phát âm sai đã khiến nhưng người như Vu Van bị coi thường thậm chí tệ hơn là không tin tưởng.
Và nếu đây là vấn đề với họ thì chắc hẳn nó cũng sẽ là vấn đề với nhiều người khác nữa. Với gần 1,5 tỷ người nói tiếng Anh trên toàn cầu, WEF ước tính có trên 1 tỷ người không phải người bản xứ và học tiếng anh là ngôn ngữ thứ 2.
Vì vậy Vu Van quyết định phải làm gì đó, tưởng tượng ra một công cụ công nghệ có thể chỉnh đúng giọng phát âm của người dùng và cung cấp cho họ giải pháp dễ dàng để cải thiện khả năng nói tiếng Anh với chi phí rất nhỏ so với việc thuê gia sư.
"Để nói hay như người Mỹ hoặc Anh gốc là rất khó. Tuy nhiên, để nói tự tin, trôi chảy và mọi người có thể hiểu bạn thì hoàn toàn có thể. Tại sao mình không tạo ra giải pháp cho vấn đề đó nhỉ?", Vu Van nghĩ.
Tìm đồng sáng lập
Tuy nhiên, vì không có sẵn nền tảng về công nghệ AI và máy đọc, Vu Van biết là tự mình làm rất khó khăn. Chính vì vậy, Vu Van quyết định nghỉ việc tư vấn viên và dành 6 tháng tiếp theo để tìm một người đồng sáng lập có chuyên môn về công nghệ. Cô "trò chuyện với mọi chuyên gia về lĩnh vực nhận diện giọng nói AI trong khu vực Bay để thăm dò mức độ quan tâm của họ và hiểu hơn về họ.
"Cách tiếp cận của tôi rất đơn giản: Mỗi ngày tôi chỉ nói chuyện với 5 người. Tôi không biết đó là ai miễn là tôi có thể kết nối và sau đó 5 người này sẽ giới thiệu tôi tới 5 người khác".
Sự tìm kiếm của Van cuối cùng đưa cô tới Đức - một hội nghị công nghệ nhận diện giọng nói lớn nhất thế giới. Một giáo sư công nghệ giới thiệu hội nghị này cho Vu Van và nhắn rằng "nếu không tìm được ai ở đây, chắc cô sẽ phải đóng cửa công ty đó".
Cuộc hội ngộ với người đồng sáng lập tương lai
Ở buổi hội thảo đó, trong số 3.000 chuyên gia, Vu Van đã gặp Xavier Anguera - một nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực.
Trong vòng vài tuần, Xavier đã đồng ý tham gia dự án cùng Vu Van, tạm thời rời gia đình ở Bồ Đào Nha và đến căn hộ nhỏ của Vu Van ở San Francisco để thử hợp tác và xây dựng công ty dựa trên ý tưởng đó.
Đó là một quá trình đòi hỏi sự thành thật hoàn toàn. Chúng tôi đã phải thực hiện những cuộc trò chuyện khó khăn nhất về tiền lương, cách chia cổ phần... cùng nhau.
"Chúng tôi còn nói với nhau rằng nếu không giết người kia sau 3 tháng thì có lẽ mọi thứ sẽ ok", Vu Van nhớ lại.
Kết quả là "cú liều" của 2 nhà sáng lập đã cho những trái ngọt. Với Xavier trong vị trí đồng sáng lập và giám đốc công nghệ, bộ đôi ngay lập tức xây dựng được phiên bản thử nghiệm, nhập dữ liệu từ những người nói tiếng Anh không phải gốc và đánh giá nó so với chuẩn Anh Mỹ.
Với Vu Van, đó điều đó có nghĩa là những người bà con ở Việt Nam của cô sẽ sớm được dạy lại cách phát âm chuẩn, từ người lái xe bus tới lãnh đạo doanh nghiệp.
Bước ngoặt đến vài tháng sau đó khi ELSA dành giải thưởng trong một cuộc thi startup năm 2016, khiến ứng dụng này lan truyền chóng mặt, thu hút 30.000 người dùng trong vòng 24 giờ và giúp đội ngũ của Vu Van có thể truy cập vào dữ liệu người dùng trên khắp thế giới.
"Mục tiêu khi bắt đầu là thu thập dữ liệu vì vậy càng làm được việc này nhanh chóng chúng tôi càng có thể đào tạo sớm cho AI của mình".
Được Google "chống lưng"
Sau một khoảng thời gian ngắn, khoảng 6 tháng mọi chi phí để điều hành công ty phụ thuộc vào tiền tiết kiệm của chính 2 nhà sáng lập, Vu Van và Xavier đã nhận được khoản đầu tư đầu tiên để phát triển doanh nghiệp. Đầu năm 2018, với đội ngũ mới và hàng triệu người dùng trên khắp 100 quốc gia, ELSA đã nhận 3,2 triệu USD đầu tư từ quỹ Monk’s Hill Ventures.
"ELSA là một trong những khoản đầu tư đầu tiên của chúng tôi tại Việt Nam - nơi chúng tôi được truyền cảm hứng bởi Van và Xavier về việc giải quyết 1 vấn đề thực tế đang gặp phải bởi 1,5 tỷ người học tiếng Anh", đại diện Monk’s Hill Ventures nói.
Đến năm 2019, Van tiếp tục nhận được tin vui khi nhận được 12 triệu USD đầu tư từ quỹ Gradient Ventures của Google. Quan trọng hơn, thỏa thuận đó giúp cô truy cập vào đội ngũ nhân viên công nghệ của Google nhằm giúp xây dựng nền tảng cơ sở hạ tầng phụ trợ.
Bùng nổ nhờ đại dịch
Dòng vốn được bơm thêm đến vài tháng trước khi đại dịch ập đến tạo đà cho các công cụ học online phát triển.
ELSA cho phép người dùng truy cập 1.000 khóa học với mức giá từ 3 - 6 USD mỗi tháng, phụ thuộc vào từng gói. Khi đại dịch ập đến, họ đã chứng kiến lượng người dùng tăng 3 - 4 lần mỗi tháng.
Tốc độ tăng trưởng đó không tới từ những người dùng điển hình của ELSA mà còn từ những trường học và doanh nghiệp vốn phải thích nghi với cách dạy mới. Công ty hiện hợp tác với hàng loạt trường học và doanh nghiệp trên khắp Việt Nam và Ấn Độ cũng như Brazil và Ukraine để mở rộng sang thị trường B2B.
"Dịch Covid-19 thực sự đã mở ra một giai đoạn mới cho chúng tôi. Đã có một sự thay đổi lớn trong số các bậc phụ huynh khi thay vì đưa con tới trường hoặc trung tâm học tiếng Anh, họ có thể dùng công nghệ. Chúng tôi chính là người được hưởng lợi", Vu Van chia sẻ.
Dự định cho tương lai
Khi đại dịch vẫn đang diễn biến phức tạp, nhu cầu với những ứng dụng như ELSA dường như vẫn tiếp diễn. "Trong thế giới ngày nay, sự nói trôi chảy tiếng Anh được xem như một tài sản để tiếp cận một cơ hội kinh tế lớn hơn và chúng tôi dự đoán rằng sẽ tiếp tục chứng kiến tự tăng trưởng trong công nghệ giáo dục - một phần nhờ đại dịch".
Vu Van nói rằng điều đó có nghĩa là những vòng huy động vốn mới sẽ "sớm diễn ra" khi công ty đang tìm cách củng cố đội ngũ ở San Francisco, Việt Nam, Ấn Độ và Nhật Bản trong khi vẫn đang tìm kiếm những thị trường mới như Brazil và Hàn Quốc.
Vu Van nói rằng ELSA cũng đang nghiên cứu bổ sung những cải tiến mới cho sản phẩm như giám sát liên tục, cho phép ứng dụng đưa ra phản hồi dựa trên các cuộc trò chuyện trong suốt cả ngày. Những tính năng như vậy Vu Van cho biết sẽ cần phải tuân thủ chặt chẽ những quy định về bảo mật dữ liệu.
"2020 là một năm điên rồ nhưng tôi nghĩ mình đã làm tốt và chúng tôi đang rất chờ đợi vào năm 2021".