Cháy nổ khiến nhiều công nhân bị bỏng tại Dung Quất: Hé mở chân dung nhà máy đóng tàu DQS

04/11/2023 09:46 GMT+7
Do những khó khăn từ thời Vinashin, liên tục nhiều năm qua, Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất (DQS) đã chìm trong thua lỗ, nợ lương. Hiện DQS đang lỗ hơn 2.600 tỷ đồng, do giai đoạn trước bàn giao để lại...

Chiều 3/11, chính quyền huyện Bình Sơn xác nhận, đã xảy ra vụ nổ tại nhà máy đóng tàu, Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất (DQS), làm nhiều người bị thương.

Vụ tai nạn xảy ra lúc 13 giờ 25 phút, các công nhân thuộc Phân xưởng ống - Xưởng Thiết bị tàu - Nhà máy chế tạo đang tiến hành công việc hàn cắt tại tầng đáy của buồng bơm tàu Legend, trong quá trình tiến hành thì xảy ra sự cố cháy tại két trống (Void tank) dưới đáy buồng bơm gây bỏng cho chín công nhân.

Qua nhận định ban đầu của Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thuỷ Dung Quất, do van đường ống dẫn dầu bị rò rĩ vào trong Void tank, cùng lúc các công nhân tiến hành công việc sinh lửa, hơi dầu phát sinh trong két trống mở ra trước đó bay lên bắt gặp tia, lửa gây cháy nổ.

Hiện tại, các công nhân đã được chuyển đến bệnh viện cấp cứu, điều trị.

Cháy nổ khiến nhiều công nhân bị bỏng tại Dung Quất: Hé mở chân dung nhà máy đóng tàu DQS - Ảnh 1.

Hiện trường xảy ra vụ nổ. Ảnh: C.X

Công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất (DQS) đang lỗ hơn 2.600 tỷ đồng

Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất (DQS) tiền thân là Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) được thành lập vào tháng 2/2006 là thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam. Thực hiện chiến lược tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam của Chính phủ, ngày 01//07/2010 DQS được chuyển giao về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam quản lý, khai thác.

Trên webite của DQS giới thiệu, ngay từ khi thành lập DQS đã chú trọng đến công tác xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, lao động có trình độ, kinh nghiệm và tính chuyên nghiệp cao thông qua chương trình đào tạo và đặc biệt là chương trình tự đào tạo cho CBCNV, đến nay DQS đã làm chủ công nghệ để đóng mới tàu đến 300.000 DWt và sửa chữa thành công các phương tiện nổi như Giàn khoan, Kho nỗi chứa xuất dầu, Sà lan, Tàu lai dắt… được Chủ tàu và Đăng kiểm đánh giá cao. Bên cạnh đó DQS không ngừng phấn đấu hoàn thiện hệ thống quản lý, nâng cao hiệu quản sản xuất kinh doanh, tăng cường hợp tác và mở rộng thị trường…

Dữ liệu cho thấy, tại thay đổi ngày 17/09/2021, DQS thay đổi người đại diện từ ông Phan Tử Giang (SN 1972) sang ông Nguyễn Anh Minh (SN 1971). Được biết, ông Nguyễn Anh Minh về DQS nhận nhiệm vụ Phó Tổng giám đốc vào năm 2016. Sau đó, ông được bổ nhiệm kiêm chức danh Thành viên HĐQT DQS.

Được biết, thời điểm DQS mới được chuyển giao từ Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) về PVN, thu nhập bình quân của người lao động của Công ty này chỉ khoảng 2,8 triệu đồng/người/tháng. Đến năm 2018, tiền lương trung bình của công nhân lao động trực tiếp là 6,6 triệu đồng, năm 2019 tăng lên 8,32 triệu đồng và 6 tháng đầu năm 2020 tăng lên 9,53 triệu đồng.

Tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vào đầu tháng 4/2023, doanh nghiệp cho biết, sau khi được chuyển giao nguyên trạng từ Vinashin, PVN đã cấp 1.915 tỷ đồng vốn điều lệ, hỗ trợ hơn 3.400 tỷ đồng để công ty trả nợ ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Đồng thời, tích cực chỉ đạo các đơn vị trong ngành tạo điều kiện để công ty hoạt động. 

Từ 2010 đến nay, số lượng tàu được DQS sửa chữa, đóng mới, hoán cải là 182 dự án; trong đó, 68 dự án trong ngành, 30 dự án nước ngoài, với tổng doanh thu trên 8.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do những khó khăn từ thời Vinashin, liên tục nhiều năm qua, nhà máy chìm trong thua lỗ, nợ lương, hiện DQS đang lỗ hơn 2.600 tỷ đồng, do giai đoạn trước bàn giao để lại. 

Một số hạng mục nhà xưởng của nhà máy đóng tàu xuống cấp trầm trọng. Theo báo cáo mới nhất của Chính phủ gửi tới Quốc hội, trong số 12 dự án thua lỗ ngành Công Thương thì Nhà máy đóng tàu Dung Quất có tổng nợ phải trả gần 7.000 tỷ đồng.

PVN đã tính toán các phương án chuyển đổi định giá DQS bán đấu giá tài sản; tiếp tục tái cơ cấu DQS hoặc thành lập đơn vị mới trên cơ sở chuyển những tài sản, nhân lực của DQS sang và thanh lý những tồn tại.

Tại buổi làm việc trên, đại diện các Bộ, ngành và cơ quan liên quan cho rằng, hiện nay, dự án DQS vẫn còn nhiều tồn tại như: vẫn còn tranh chấp hợp đồng EPC, số nợ phải trả lớn, vốn chủ sở hữu âm. Công ty đang trong quá trình phân tích, đánh giá lựa chọn phương án xử lý theo chỉ đạo tại QĐ 1468/QĐ-TTg ngày 29/9/2017 của Chính phủ.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng lưu ý phương án "giải cứu" DQS cần căn cứ vào chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và thực tế hiện nay để đánh giá và đề xuất.

"Chỉ khi nào không còn phương án khác mới tính đến chuyện phá sản. PVN phải đánh giá kỹ tình hình thị trường, các tiềm năng, lợi thế, định hướng phát triển ngành, đầu ra cho sản phẩm để xây dựng phương án tái cơ cấu, đánh giá kỹ tác động của các phương án, hạn chế tối đa các tổn thất, báo cáo xin ý kiến những vấn đề vượt thẩm quyền" - ông Lê Minh Khái nhấn mạnh trên báo chí.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành căn cứ vào chức năng, thẩm quyền của mình khẩn trương xử lý dứt điểm các vướng mắc liên quan đến DQS. Cùng với đó, tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ PVN, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sớm hoàn thiện đề án.

Thừa nhận mục tiêu làm sống lại DQS là rất phức tạp, rất khó, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành phân tích rất rõ những vấn đề gốc rễ của các vướng mắc trong xử lý. Phải tính toán cặn kẽ để đề xuất giải pháp chi tiết, cụ thể, khả thi.



Vương Toàn Thắng
Cùng chuyên mục