Chi tiết 6 loại giấy tờ quan trọng sắp thay đổi
Căn cước công dân gắn chip
Luật Căn cước công dân quy định, bắt đầu từ năm 2020, căn cước công dân sẽ được cấp tại tất cả các địa phương trên cả nước, thay vì chỉ 16 địa phương như trước.
Vừa qua, Bộ Công an đã đề xuất phát hành thẻ căn cước công dân có gắn thẻ chip điện tử, thay cho mã vạch như hiện nay.
Với việc ký Quyết định 1368, Thủ tướng đã chính thức thông qua chủ trương đầu tư dự án căn cước công dân có gắn chip (tổng vốn đầu tư gần 2.700 tỷ đồng).
So với thẻ căn cước công dân hiện tại, căn cước công dân gắn chip có tính bảo mật cao hơn, có thể lưu trữ được nhiều trường thông tin hơn, có thể tích hợp thêm các thông tin về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe...
Giấy phép lái xe có 12 điểm
Tại dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đề xuất Giấy phép lái xe có tổng điểm là 12 điểm. Giấy phép lái xe bị trừ điểm khi người điều khiển phương tiện vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Hiện nay, Chính phủ đã chính thức thống nhất với quy định trên tại Nghị quyết 123/NQ-CP.
Theo đó, nếu trong 01 năm mà bị trừ hết điểm thì tài xế phải thi lại, nếu không trừ hết điểm thì phải cấp lại 12 điểm để áp dụng cho năm kế tiếp hoặc trong 01 năm mà không có vi phạm thì được cộng điểm.
Sổ bảo hiểm xã hội thay bằng Thẻ bảo hiểm xã hội
Theo khoản 2 Điều 96 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, năm 2020 sẽ thay Sổ bảo hiểm xã hội bằng Thẻ bảo hiểm xã hội.
Với thay đổi nêu trên, người lao động sẽ thuận tiện trong việc thực hiện các quyền lợi liên quan đến bảo hiểm xã hội, ít tốn kém thời gian và giấy tờ đi kèm.
Tuy nhiên, dù chỉ còn vài tháng nữa là kết thúc năm 2020, nhưng vẫn chưa có văn bản chính thức nào hướng dẫn về việc này.
Thẻ bảo hiểm y tế giấy thay bằng thẻ điện tử
Nhằm hiện đại hóa, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực y tế, Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định chậm nhất đến ngày 01/01/2020, người tham gia bảo hiểm y tế sẽ được phát thẻ bảo hiểm y tế điện tử.
Những người đã có thẻ giấy được cơ quan bảo hiểm xã hội chủ động chuyển đổi sang thẻ điện tử và không yêu cầu phải lập bổ sung hồ sơ.
Theo thông tin từ bảo hiểm xã hội Việt Nam, thẻ bảo hiểm y tế điện tử được làm bằng nhựa, kích cỡ tương đương thẻ ATM và được gắn chíp ứng dụng công nghệ do Việt Nam làm chủ, tích hợp nhiều thông tin của người bệnh.
Do đó, khi đi khám chữa bệnh, người bệnh cũng không cần mang theo các giấy tờ tùy thân khác.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, việc thay thẻ bảo hiểm y tế giấy bằng thẻ bảo hiểm y tế điện tử vẫn chưa được triển khai.
Hộ chiếu được gắn chip
Tương tự như căn cước công dân hay thẻ bảo hiểm y tế điện tử, hộ chiếu cũng là loại giấy tờ tùy thân sẽ được gắn chip.
Theo quy định của Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam có hiệu lực từ ngày 01/7/2020, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên được cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử. Đặc biệt, đối tượng này còn có quyền lựa chọn cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử hoặc hộ chiếu không gắn chíp điện tử.
Hộ chiếu có gắn chíp điện tử là loại hộ chiếu có gắn thiết bị điện tử lưu giữ thông tin được mã hóa của người mang hộ chiếu và chữ ký số của công dân.
Thời hạn của hộ chiếu có gắn chíp điện tử là 10 năm trong khi hộ chiếu không gắn chíp điện tử chỉ có thời hạn là 05 năm.
Theo thông tin từ Bộ Công an, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hệ thống trang thiết bị từ nước ngoài chưa nhập về Việt Nam nên việc cấp hộ chiếu điện tử bị chậm so với dự kiến.
Bỏ Sổ hộ khẩu
Trước đây, tại Nghị quyết 112 năm 2017, Chính phủ chủ trương bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng Sổ hộ khẩu và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân.
Hiện nay, dự thảo Luật Cư trú đang được xây dựng, trong đó có đề cập đến việc bãi bỏ Sổ hộ khẩu. Việc quản lý công dân từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sẽ được chuyển sang phương thức quản lý hiện đại bằng công nghệ thông tin.
Tuy nhiên, dự thảo vẫn nhận được nhiều ý kiến trái chiều và chưa được Quốc hội thông qua.