Chỉ trích Trung Quốc, Úc đã trả giá đắt như thế nào?
Kể từ đó đến nay, Trung Quốc đã tăng cường các biện pháp trừng phạt thương mại dưới nhiều hình thức với hàng loạt sản phẩm nhập khẩu từ Úc như thịt bò, lúa mạch, than đá, gỗ và mới đây nhất là rượu vang. Ước tính có tới 21 tỷ USD trong số tổng kim ngạch xuất khẩu 147 tỷ USD hàng hóa từ Úc sang Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi “cơn thịnh nộ” của Bắc Kinh. Riêng quặng sắt, sản phẩm mà Trung Quốc vẫn phụ thuộc chủ yếu vào Úc để cung cấp cho ngành thép hùng mạnh của nước này là tạm thời chưa chịu tác động gì.
Trong những năm qua, Bắc Kinh liên tục sử dụng quyền tiếp cận thị trường nội địa rộng lớn của mình như một vũ khí chống lại các nước láng giềng châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc mỗi khi căng thẳng địa chính trị leo thang. Úc là quốc gia mới nhất hứng chịu những đòn giáng như vậy. Khi cái giá kinh tế phải trả trở nên ngày càng lớn, một số nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở Úc nghi hoặc chính phủ. James Robson, chủ sở hữu nhà xuất khẩu rượu vang Ross Hill Wines ở New South Wales nói trên kênh truyền hình quốc gia Úc ABC News: “Tôi không hiểu tại sao chính phủ lại quyết định gia tăng căng thẳng với khách hàng lớn nhất của chúng ta”.
Kết hợp với những biện pháp trừng phạt thương mại, các quan chức Bắc Kinh cũng tăng cường những phát ngôn chỉ trích và đổ lỗi cho Úc là nguyên nhân thổi bùng căng thẳng song phương. Hồi giữa tháng 11, khi phía Canberra yêu cầu Bắc Kinh giải trình về đề xuất tạm dừng nhập khẩu 7 mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ từ Úc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin đã kêu gọi Canberra xem lại cách xử lý mối quan hệ thương mại với Bắc Kinh trong suốt thời gian qua. Ông Wang chỉ ra rằng kể từ năm 2018, một số dự án đầu tư của Trung Quốc đã bị Úc từ chối với lý do quan ngại an ninh quốc gia, một cái cớ mà Bắc Kinh cho là “thiếu minh bạch và vô căn cứ”. “Giữa Trung Quốc và Úc, quốc gia nào đang vi phạm các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường và hiệp định thương mại tự do song phương? Quốc gia nào đang đi ngược lại những cam kết của mình, phá hoại sự hợp tác và thực hiện phân biệt đối xử? Sự thật đã quá rõ” - ông Wang Wenbin nhấn mạnh.
“Tôi nghĩ rằng các hạn chế của Trung Quốc nhằm mục đích nhắc nhở Úc rằng Trung Quốc đang muốn tái thiết lập mối quan hệ song phương, nhưng Bắc Kinh chắc chắn không phải bên chủ động” - ông Hans Hendrischke, chuyên gia quản lý và kinh doanh Trung Quốc tại Trường Kinh doanh Đại học Sydney nhận định.
Dù nguyên nhân là gì, có một thực tế là các đòn giáng kinh tế của Trung Quốc đang đưa Úc vào tình thế tiến thoái lưỡng nan: làm thế nào để cân bằng quan hệ thương mại với đối tác lớn nhất của mình mà vẫn giữ được quan hệ đồng minh an ninh chặt chẽ với Mỹ.
Trong 4 năm nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ Donald Trump, cách tiếp cận cứng rắn của ông Trump với Trung Quốc đã để lại ảnh hưởng sâu sắc từ châu Âu đến châu Á. Chính phủ Úc nhanh chóng có phản ứng tương ứng với tư cách đồng minh thân cận của Mỹ. Năm 2018, Úc là quốc gia đầu tiên công khai cấm gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei khỏi dự án xây dựng mạng lưới 5G quốc gia.
Là một thành viên nằm trong nhóm Liên minh tình báo Ngũ Nhãn do Mỹ dẫn đầu, Úc cho đến nay vẫn thể hiện đường lối sát cánh với Mỹ dù đảng Cộng hòa hay đảng Dân chủ nắm quyền điều hành Nhà Trắng. Ngay cả khi sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc ngày càng tăng lên, có vẻ như chính sách đối ngoại của Úc vẫn nghiêng về đồng minh an ninh như Mỹ và Nhật nhiều hơn.