Chiều nay 12/11 Quốc hội bàn cách tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines
Chiều ngày 12/11/2020, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021. Ngay sau đó, Quốc hội sẽ họp riêng nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về nội dung trên và Bộ trưởng Bộ tài chính sẽ giải trình ý kiến các đại biểu nêu trong chiều ngày 12/11/2020.
Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ sẽ trình bày tờ trình về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, 9 tháng đầu năm 2020, doanh thu thuần hợp nhất của Vietnam Airlines đã giảm 56,8% xuống 32.411 tỷ đồng, không đủ bù đắp giá vốn dẫn đến khoản lỗ gộp 7.707 tỷ đồng. Dù chi phí lãi vay, chi phí bán hàng, quản lý đã giảm nhưng Vietnam Airlines vẫn lỗ 10.675 tỷ đồng.
Tại cuộc họp do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tổ chức ngày 5/11, ông Trịnh Hồng Quang, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, cả năm 2020 có thể lỗ 13.000 tỷ đồng và sang năm 2021 vẫn lỗ nếu thị trường quốc tế không phục hồi.
Đến cuối tháng 9/2020, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm 6.270 tỷ đồng trong khi cùng kỳ dương 7.874 tỷ đồng. Nguồn lực tài chính của hãng cũng giảm đáng kể khi lượng tiền và tiền gửi còn khoảng 3.327 tỷ đồng, giảm so với mức 6.540 tỷ đồng đầu năm hay 4.270 tỷ đồng cuối quý II. Tổng vay nợ tài chính đang là 35.056 tỷ đồng, tăng hơn 3.100 tỷ so với đầu năm. Trong đó, Vietnam Airlines đã vay ngắn hạn thêm gần 6.100 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động.
Do vậy, Vietnam Airlines trình phương án xin hỗ trợ từ Chính phủ với số tiền 12.000 tỷ đồng gồm 4.000 tỷ đồng thông qua cho vay và tăng vốn điều lệ 8.000 tỷ đồng.
Ông Đinh Việt Tùng, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) trả lời phỏng vấn của VTV cho biết, trong trường hợp phát hành theo mệnh giá, SCIC sẽ thay mặt nhà nước đầu tư vào tương đương 85% của 8.000 tỷ đồng. Với con số đó, nếu được Chính phủ thông qua SCIC đã sẵn sàng thực hiện và không gặp bất cứ khó khăn nào ở thời điểm hiện tại.