Chính sách của tân Tổng thống Donald Trump tác động thế nào tới giá dầu?

21/01/2025 10:20 GMT +7
Với chính sách của tân Tổng thống Donald Trump, các nhà phân tích cho rằng sản lượng khai thác dầu thô tại Mỹ dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh, làm tăng nguồn cung và gây áp lực giảm giá dầu.

Tân Tổng thống Donald Trump khẳng định rằng nước Mỹ đã bước vào một "kỷ nguyên vàng" trong bài diễn văn nhậm chức kéo dài gần 30 phút tại Đồi Capitol vào ngày 20/1 (giờ địa phương).

Tổng thống Trump đưa ra nhiều tuyên bố về chính sách ( Ảnh: Reuters)

Ông Trump cho biết đã chỉ đạo toàn bộ thành viên nội các sử dụng mọi quyền hạn để giải quyết tình trạng lạm phát cao kỷ lục, đồng thời nhanh chóng giảm chi phí sinh hoạt và giá cả. Ông nhấn mạnh rằng cuộc khủng hoảng lạm phát xuất phát từ chi tiêu quá mức và giá năng lượng tăng cao, dẫn đến quyết định tuyên bố tình trạng khẩn cấp về năng lượng quốc gia. Động thái nhằm tăng sản xuất dầu khí tại Mỹ, giảm giá xăng dầu và tăng sức cạnh tranh. Ông Trump sẽ bổ sung kho dự trữ dầu chiến lược của Mỹ và xuất khẩu năng lượng Mỹ ra thế giới.

Ông cũng tuyên bố, sẽ lập tức bắt đầu cải tổ hệ thống thương mại để bảo vệ người lao động và các gia đình Mỹ. Thay vì đánh thuế người dân để làm giàu cho quốc gia khác, Mỹ sẽ đánh thuế quốc gia khác để làm giàu cho người dân.

Chính sách của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump tác động thế nào tới giá dầu?

ThS. Đoàn Tiến Quyết, chuyên gia tại Bộ phận Phân tích Dữ liệu (DNA), Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) nhận định, xu hướng giá dầu toàn cầu sẽ chịu tác động mạnh từ các chính sách của tân Tổng thống Trump.

Theo đó, Chính sách của Mỹ có khả năng thúc đẩy quá trình tái công nghiệp hóa và tập trung nhiều hơn vào sản xuất nội địa, nhằm giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này có thể làm tăng nhu cầu tiêu thụ năng lượng, đặc biệt là dầu thô và các sản phẩm liên quan.

Tuy nhiên, việc Mỹ gia tăng sử dụng nhiên liệu hóa thạch có thể đi kèm với các biện pháp thuế quan bảo hộ kinh tế trong nước. Các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc và khối BRICS36 được dự báo sẽ đối mặt với áp lực từ những chính sách thuế mới, làm tái hiện phần nào hình ảnh cuộc chiến tranh thương mại trong nhiệm kỳ trước. Áp lực này có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp tại Trung Quốc và Ấn Độ - hai trung tâm sản xuất lớn nhất thế giới - qua đó ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ xăng dầu.

ThS. Đoàn Tiến Quyết cho rằng, trên thị trường dầu mỏ toàn cầu, với chính sách của tân Tổng thống Mỹ, sản lượng khai thác dầu thô tại quốc gia này dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh, làm tăng nguồn cung và gây áp lực giảm giá dầu.

Trong khi đó, các chính sách cắt giảm sản lượng của OPEC+ có thể được duy trì nhằm ổn định giá dầu. Theo nhiều tổ chức uy tín như Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và OPEC, giá dầu trung bình trong năm 2025 được dự báo sẽ dao động trong khoảng 80 - 85 USD/thùng, với mức ổn định tương đối do cung và cầu toàn cầu cân bằng.

Dưới góc độ tăng trưởng, nhà phân tích này cho biết, tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm 2025 được dự báo ở mức 2,5 - 3%, tăng nhẹ so với năm 2024 nhờ nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường lớn được cải thiện. Tuy nhiên, tăng trưởng này vẫn chịu sự chi phối của các yếu tố bất định như lạm phát cao và căng thẳng địa chính trị.

Bên cạnh đó, xu hướng chuyển dịch sang năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng xanh vẫn đang tăng tốc, nhưng sức ảnh hưởng của xu hướng này lên thị trường dầu mỏ chưa thực sự mạnh mẽ trong ngắn hạn. Năng lượng hóa thạch, đặc biệt là dầu mỏ, vẫn sẽ giữ vai trò chủ đạo trong cơ cấu năng lượng toàn cầu, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển và các ngành công nghiệp khó thay thế nhiên liệu truyền thống.

Trong bối cảnh này, theo ThS. Đoàn Tiến Quyết thị trường xăng dầu thế giới năm 2025 dự báo sẽ duy trì trạng thái cân bằng tương đối, với những thay đổi chủ yếu đến từ chính sách của các quốc gia lớn và xu hướng tiêu thụ năng lượng toàn cầu. Dự báo giá xăng dầu thế giới sẽ ở mức trung bình từ 80 - 90 USD/thùng cho năm 2025.

Trước đó, thông tin về thị trường năng lượng, ông Heng Koon How, Trưởng bộ phận Chiến lược thị trường, Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB Singapore đưa ra nhận định rằng, đối với dầu thô Brent, mối tương quan trong quá khứ giữa các nhà sản xuất năng lượng chính hiện đã bị đảo ngược. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang thấy ngày càng khó khăn trong việc ổn định giá dầu thô và duy trì thị phần. Nguyên nhân là do họ ngày càng nhường thị phần và quyền định giá cho Hoa Kỳ.

Với sản lượng khoảng 13,5 triệu thùng mỗi ngày, Hoa Kỳ hiện là nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới. Mối lo ngại về những gián đoạn do mức thuế quan thương mại cao hơn dưới thời chính quyền Trump thứ hai cũng sẽ là tiêu cực đối với hai mặt hàng này. "

"Với sự tăng trưởng chậm lại từ cả Trung Quốc và Khu vực đồng tiền chung châu Âu, triển vọng nhu cầu năng lượng toàn cầu đã liên tục bị OPEC hạ xuống. Do đó, mối đe dọa về tình trạng cung vượt cầu khiến giá dầu thô Brent tiếp tục giảm. Chúng ta đã thấy một năm đầy thách thức đối với dầu thô Brent quanh mức hiện tại là 70 đến 75 đô la Mỹ/thùng. Ngoài ra, chúng ta không thể loại trừ nguy cơ dầu thô Brent giảm xuống dưới 70 đô la Mỹ nếu chính quyền Trump thứ hai tăng đáng kể thuế quan đối với Trung Quốc và toàn cầu vào năm 2025", ông dự báo.

H.Anh