Chủ chương trình học iSmart: Lãi khủng với tỷ suất lợi nhuận hơn 30% vẫn nợ thuế, nợ người lao động
Trong vài năm gần đây, Chương trình học iSmart (dạy tiếng Anh thông qua Toán và Khoa học) thuộc Công ty cổ phần Giáo dục iSmart là một cái tên nổi bật trong ngành giáo dục. Đây là một trong những hình thức đào tạo liên kết có quy mô rộng, xuất hiện ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Theo các giới thiệu được đăng tải trên website chính thức, iSmart có hơn 500 trường đối tác từ tiểu học đến trung học phổ thông với hơn 120.000 học sinh trên toàn quốc. Đồng thời, công ty đã tổ chức hơn 1.000 hoạt động ngoại khóa dành cho học sinh hàng năm.
iSmart được giới thiệu là chương trình "tự nguyện" nhưng không ít phụ huynh cho rằng không dễ để con em của họ được không phải tham gia.
Lãi khủng, tỷ suất lợi nhuận hơn 30% iSMART vẫn nợ thuế, nợ người lao động
Được biết, Công ty cổ phần Giáo dục iSmart được thành lập năm 2012, trụ sở tại Quận 1, TP. Hồ Chí Minh với ngành nghề chính là "Xuất bản phần mềm". Đại diện pháp luật là bà Nguyễn Thị Tuyết Lan và bà Nguyễn Thị Quang Ngọc. Bà Tuyết Lan là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, bà Quang Ngọc đóng vai trò Giám đốc iSmart.
Dữ liệu cho thấy, năm 2022 (kỳ kết thúc 30/6/2023), số dư nợ thuế và nợ người lao động tăng mạnh. Cụ thể, tại ngày 30/6/2023, chỉ tiêu Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước của iSmart lên tới 10,4 tỷ đồng, tăng 9,1 tỷ đồng, tương đương tăng 700% so với hồi đầu đầu kỳ tài chính.
Cùng với nợ thuế là nợ người lao động, cuối kỳ, iSmart ghi nhận khoản phải trả người lao động tăng 2,8 tỷ đồng, tương đương 75,7% lên 6,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trái ngược với hiện trạng nợ thuế và nợ người lao động treo trên báo cáo tài chính, năm tài chính 2021 - 2022, iSmart ghi nhận doanh thu, lợi nhuận đồng loạt tăng vọt và ấn tượng nhất là khả năng sinh lời rất tốt.
Cụ thể, trong năm 2022, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ tại iSmart đạt tới 263 tỷ đồng, tăng 168,4 tỷ đồng, tương đương 178% so với năm 2021. Mặc dù chi phí đồng loạt tăng mạnh (Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng từ 13,4 tỷ đồng lên 26,8 tỷ đồng; Chi phí bán hàng tăng từ 24,5 tỷ đồng lên 55,7 tỷ đồng) nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn tăng rất mạnh, tăng 72,6 tỷ đồng, tương đương… 1.022% lên 79,7 tỷ đồng.
Điều này đồng nghĩa, tỷ suất lợi nhuận/doanh thu thuần hơn 30%. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu tại iSmart đạt 31,3%. Tuy nhiên, nếu so với vốn góp chủ sở hữu, có thể thấy, iSmart đạt mức siêu lợi nhuận.
iSmart thành lập năm 2012, đến tháng 5/2017, vốn điều lệ của công ty vẫn rất khiêm tốn, chỉ đạt 4 tỷ đồng. Từ tháng 5/2017, vốn điều lệ tăng lên 6 tỷ đồng. Tới tháng 9/2018, vốn tăng lên 38,5 tỷ đồng và tới kết thúc năm 2022, vốn điều lệ iSmart đạt 50,8 tỷ đồng.
Trong năm tài chính 2021 - 2022, 1 đồng vốn góp của iSmart đã mang về 1,5 đồng lợi nhuận sau thuế cho cổ đông. Thời điểm 30/06/2022, sau 10 năm hoạt động, iSmart đã tích lũy được vốn chủ sở hữu tới 255 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ là 50,8 tỷ đồng.
Những ông chủ phía sau chương trình học iSMART
iSmart thành lập năm 2012 nhưng phải tới năm 2017, cơ cấu cổ đông sáng lập mới được tiết lộ. Theo đó, ông Nguyễn Quốc Toàn, Trần Vinh Dự, Nguyễn Thanh Sơn, Nguyễn Thị Tuyết Lan và Đào Quốc Trung đã thoái toàn bộ vốn, bà Trương Phụng Ý Nhi sở hữu 22,66% vốn, tương đương hơn 906 triệu đồng, Lê Minh Ngọc sở hữu 1,25% vốn, Nguyễn Tấn Thành sở hữu 5,2% vốn.
Trong các đợt tăng vốn sau này, iSmart không công bố thông tin về cổ đông. Tuy nhiên, trên website của mình, Tập đoàn Giáo dục Equest công bố trong tháng 5/2012, Tập đoàn thành lập iSmart – một trong những công ty công nghệ giáo dục đầu tiên của Việt Nam.
Công ty cổ phần Giáo dục Equest thành lập ngày 3/4/1999 với ngành nghề chính là "Hoạt động tư vấn quản lý" và người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Quốc Toàn. Equest có cùng địa chỉ với iSmart.