Chủ tịch Hạ viện Mỹ đề xuất bắt tay với EU để giáng đòn Bắc Kinh

03/11/2019 15:13 GMT+7
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi mới đây gợi ý Mỹ nên bắt tay với Liên minh Châu Âu EU để gây áp lực chính trị và thương mại lên Trung Quốc trong thương chiến Mỹ Trung.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ đề xuất bắt tay với EU để giáng đòn Bắc Kinh - Ảnh 1.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đề xuất liên minh với EU để gây áp lực lên Trung Quốc trong thương chiến Mỹ Trung

Trả lời tờ Bloomberg trong một cuộc phỏng vấn hôm 1/11, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho hay Tổng thống Donald Trump đã đúng khi theo đuổi chính sách thương mại cứng rắn với Trung Quốc - vốn là mối đe dọa đặc biệt đến vị thế của Mỹ. Tuy nhiên, bà Nancy chỉ ra sai lầm của ông Trump là đưa Mỹ dấn thân vào xung đột thương mại với EU trong cùng thời gian đó, khiến vị thế của Mỹ bị chia rẽ và suy yếu, không gây được áp lực nặng nề lên Bắc Kinh.

“Tổng thống đã làm gì? Ông ấy khiêu khích EU bằng hàng loạt đe dọa áp thuế. Vậy nên, cho đến giờ, Mỹ vẫn loay hoay tìm kiếm vị thế của chính mình” - bà Nancy Pelosi nhận định.

Theo Chủ tịch Hạ viện Mỹ, Nhà Trắng cần nhiều chiến lược hơn trong việc gây ảnh hưởng đến các chính sách thương mại quốc tế, chứ không chỉ sử dụng đòn thuế quan làm vũ khí thương chiến Mỹ Trung như tình trạng hiện nay. Một trong những lựa chọn đó là lôi kéo những đồng minh như EU để gây ảnh hưởng nặng nề hơn lên Bắc Kinh trong căng thẳng thương mại. “Cần phải tấn công toàn diện hơn để Trung Quốc hiểu rằng họ không thể hành động như thế trên sân chơi thương mại quốc tế.”

Nhận định của bà Nancy Pelosi được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump đang theo đuổi một thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Trung Quốc nhằm hạ nhiệt thương chiến Mỹ Trung kéo dài hơn một năm nay. Tuy nhiên, trong khi phố Wall tỏ ra nghi ngờ về khả năng đạt được thỏa thuận cuối cùng thì các quan chức Bắc Kinh cũng bày tỏ quan ngại về khả năng Tổng thống Trump lật ngược thỏa thuận ở phút chót. 

Chính quyền Trump lâu nay đã sử dụng thuế quan như công cụ quan trọng nhất trong cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc nhằm thúc đẩy nước này đi đến các cải cách kinh tế và thể chế. Tổng thống Trump có kế hoạch áp thuế số hàng hóa lên tới hơn 500 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến tháng 12/2019. Tính đến nay, khoảng 360 tỷ USD hàng hóa đã bị áp thuế. Dù vậy, những hiệu quả mang lại được nhận định là chưa cao.

Dù cho nền kinh tế Trung Quốc quả thực đã lao đao nhưng Bắc Kinh hiện vẫn chưa có dấu hiệu nào tỏ ý sẽ thay đổi thể chế kinh doanh và thương mại phù hợp với ý muốn của Washington. Thỏa thuận Mỹ Trung giai đoạn 1 được cho là sẽ giải quyết một số mâu thuẫn liên quan đến dịch vụ tài chính, sở hữu trí tuệ và cam kết mua nông sản Mỹ, nhưng các xung đột cơ bản về trợ cấp Chính phủ, chuyển giao công nghệ bắt buộc, mở cửa thị trường… hiện vẫn còn là mối quan ngại sâu sắc. 

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi - một thành viên Đảng Dân chủ từ lâu đã chỉ trích Trump trong việc sử dụng đòn đánh thuế quan ở chiến tranh thương mại Mỹ Trung. Bà cho rằng trừng phạt thuế quan dù gây thiệt hại nặng nề cho Trung Quốc nhưng cũng khiến nông dân và người tiêu dùng Mỹ chịu tổn thương tương tự.

Ngoài ra, bà Pelosi cũng phê bình cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - EU mà ông Trump khơi mào, trong đó Tổng thống đã áp thuế trừng phạt với thép, nhôm có nguồn gốc Châu Âu và đe dọa sẽ tiếp tục đánh thuế 25% với ô tô nhập khẩu. Mỹ mới đây cũng áp thuế 7,5 tỷ USD hàng hóa EU sau khi thắng kiện vụ EU trợ cấp Airbus, khiến Liên minh Châu Âu sau đó đe dọa trả đũa.

Bắc Kinh hiện chưa có bình luận nào sau phát ngôn của bà Pelosi về việc liên minh với EU để gây áp lực cho Trung Quốc. Tuy nhiên, tờ South China Morning Post đã gọi đây là động thái “tàn nhẫn hơn cả Donald Trump”.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục