VPBank lần đầu tiên "hé lộ" hành trình chiến lược 5 năm 2022-2026

18/04/2023 19:06 GMT+7
VPBank đang có những điều kiện cần và đủ để đạt được các mục tiêu kinh doanh đầy tham vọng trong năm 2023 và giai đoạn phát triển 5 năm tiếp theo. Ban Lãnh đạo ngân hàng này tự tin sẽ hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra bất chấp các khó khăn tiềm ẩn trước mắt.

Lần đầu tiên "hé lộ" hành trình chiến lược 5 năm 2022-2026

Trong Đại hội cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) 2022 của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - mã: VPB) diễn ra chiều nay (18/4/2023), ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng Giám đốc VPBank bày tỏ tự tin khi đưa ra những con số tăng trưởng kinh doanh đầy "tham vọng" trong năm 2023. 

Cũng tại đại hội này, lần đầu tiên hành trình chiến lược 5 năm tiếp theo (2022-2026) của VPBank được ban lãnh đạo ngân hàng hé lộ, hướng tới mục tiêu trở thành ngân hàng nằm trong top đầu của Việt Nam và khu vực.

Theo đó, mục tiêu kinh doanh cho năm 2023 mà ngân hàng này trình ĐHĐCĐ thông qua có phần khá mạnh bạo, đặt trong bối cảnh nền kinh tế hồi phục chậm hơn dự báo và thị trường tài chính-ngân hàng vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.

VPBank lần đầu tiên "hé lộ" hành trình chiến lược 5 năm 2022-2026 - Ảnh 1.

Toàn cảnh ĐHĐCĐ của VPBank chiều 18/4.

VPBank đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2023 lên tới 33% (gần 636 nghìn tỷ đồng), tăng trưởng huy động 41% (hơn 518 nghìn tỷ đồng) và lợi nhuận trước thuế 13% (hơn 24 nghìn tỷ đồng) và nếu tính trên các hoạt động kinh doanh cốt lõi, mức tăng trưởng lợi nhuận này tương đương 53%.

Ở tầm nhìn dài hơn, ngân hàng này đặt mục tiêu tăng trưởng trung bình hàng năm trong 5 năm tới lên tới 36% ở nhiều tiêu chí, như tín dụng 35%, huy động khách hàng 36%, lợi nhuận trước thuế 31% và vốn chủ sở hữu 25%.

Đẩy mạnh phục vụ các doanh nghiệp FDI

Đặt trong bối cảnh khó khăn, song VPBank đang có những điều kiện cần và đủ để hiện thực hoá các mục tiêu kinh doanh trong năm 2023 và tầm nhìn dài hơi trong 5 năm sắp tới, theo lãnh đạo ngân hàng.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Đức Vinh, nền tảng đầu tiên cho sự tự tin của VPBank đến từ cơ sở vốn vững chắc, các chỉ số hiệu quả trong nhóm dẫn đầu, hệ thống công nghệ tiên tiến cùng nguồn lực con người mạnh mẽ.

Trong đó, khoản đầu tư từ SMBC sẽ mang lại cho VPBank 35,9 nghìn tỷ đồng vốn cấp 1, nâng tổng vốn chủ sở hữu của VPBank lên xấp xỉ 140 nghìn tỷ đồng, trở thành tiền đề để ngân hàng này mở rộng hoạt động cho vay và phát triển các phân khúc khách hàng mới.

Cùng với đó, ngân hàng đã đang không ngừng đầu tư hệ thống nền tảng sẵn sàng cho khả năng tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.

Đứng trước các khó khăn của nền kinh tế, vị Tổng Giám đốc ngân hàng cho biết sẽ điều tiết hoạt động kinh doanh linh hoạt theo diễn biến của thị trường, tuy nhiên vẫn bám sát định hướng kinh doanh đã đề ra với một chiến lược rõ ràng và kiên định.

VPBank theo đó sẽ tập trung tăng trưởng các phân khúc chiến lược, bao gồm ngân hàng bán lẻ và SME. Tại ngân hàng riêng lẻ, tỷ trọng bán lẻ hiện chiếm 60% danh mục tín dụng, tăng trưởng tín dụng từ bán lẻ đạt 37% trong khi tỷ trọng huy động vốn từ khách hàng cá nhân cũng lên đến 50%. Tệp khách hàng cá nhân của VPBank đã mở rộng tới hơn 8 triệu khách hàng cá nhân, trong một hệ sinh thái đa tầng kết nối với các đối tác hàng đầu trong lĩnh vực thương mại điện tử, fintech, ngân hàng đầu tư, du lịch, giải trí, giao thông,…

VPBank lần đầu tiên "hé lộ" hành trình chiến lược 5 năm 2022-2026 - Ảnh 3.

VPBank tự tin sẽ hoàn thành mục tiêu kinh doanh năm 2023.

Ngoài 2 phân khúc chiến lược đang có, VPBank sẽ tập trung mở rộng phân khúc khách hàng doanh nghiệp vừa và lớn, hướng tới phục vụ tệp khách hàng là các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn trên khắp thế giới. 

Ông Vinh cho hay, với thỏa thuận bán 15% cổ phần với SMBC sẽ là một lợi thế lớn giúp ngân hàng đẩy mạnh phục vụ các doanh nghiệp FDI. Mục tiêu của ngân hàng trong năm nay là đưa số lượng khách hàng doanh nghiệp FDI từ 80 lên 300-600. VPBank đã tuyển dụng một đội ngũ rất mạnh từ SMBC hỗ trợ xây dựng fanpage có gần 3000 doanh nghiệp nhật bản tại Việt Nam. Nhiệm vụ đề ra hiện nay là làm sao để 10-15% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam tham gia cùng với VPBank.

"Với dự báo dòng vốn FDI sẽ tăng trưởng và bứt phá trong giai đoạn tới khi Việt Nam liên tục được đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn và triển vọng trong dài hạn, VPBank sẽ tập trung nắm bắt các cơ hội hợp tác phát triển với nhóm khách hàng doanh nghiệp FDI thông qua đa dạng các dịch vụ ngân hàng giao dịch và thanh toán", ông Vinh nhận định.

Ngoài ra, mảng chứng khoán và bảo hiểm cũng sẽ gia tăng mức độ đóng góp vào lợi nhuận của ngân hàng. Năm 2022, công ty chứng khoán mới hoạt động nhưng cũng đóng góp tới 500 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất của VPBank và dự kiến sẽ tăng gấp 3 lần trong năm nay nhờ việc mới tăng vốn vừa qua.

H.Anh
Tags:
Cùng chuyên mục