Chứng khoán BIDV (BSI) báo lãi ròng quý II tăng "phi mã"
Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV (HoSE: BSI) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2023 với tổng doanh thu hoạt động tăng 24% lên hơn 316 tỷ đồng.
Trong đó, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) tăng mạnh 81%, từ 67 tỷ lên hơn 121,1 tỷ đồng; lãi từ khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) tăng 26% lên 16,9 tỷ đồng; lãi từ cho vay và phải thu tăng 34% lên 107,2 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, doanh thu đến từ mảng môi giới giảm 23% xuống còn 67,7 tỷ đồng, doanh thu lưu ký chứng khoán giảm từ 4 tỷ xuống còn 2,9 tỷ đồng và doanh thu tư vấn tài chính giảm mạnh từ 3 tỷ đồng xuống còn vòn vẹn 458 triệu đồng (tương ứng giảm tới 85%).
Trong kỳ, Chứng khoán BIDV ghi nhận đã tiết giảm tới 52% chi phí hoạt động xuống mức 92,5 tỷ đồng. Chủ yếu do giảm ghi nhận lỗ từ các tài sản tài chính FVTPL. Công ty đã ghi lỗ hơn 7 tỷ đồng từ việc bán các tài sản tài chính FVTPL, giảm 83% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó chi phí tài chính cũng giảm từ 53,9 tỷ xuống còn 33,6 tỷ đồng nhưng chi phí quản lý công ty chứng khoán lại tăng trưởng mạnh, từ 9,4 tỷ lên tới hơn 39,4 tỷ đồng. Kết quả, công ty chứng khoán này ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng từ hơn 312 triệu đồng lên hơn 154,4 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế từ việc báo lỗ gần 6 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước lên mức lãi 123,6 tỷ đồng trong quý này.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu hoạt động của Chứng khoán BIDV ghi nhận đạt 603,5 tỷ đồng, tăng 2,7% so với 6 tháng đầu năm 2022. Lợi nhuận trước và sau thuế đạt 275,9 tỷ và 221,2 tỷ đồng.
Chứng khoán BIDV tăng hơn 1.300 tỷ đồng dư nợ vay margin
Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản của Chứng khoán BIDV đạt 8.080 tỷ đồng, gấp 1,37 lần cùng kỳ 2022. Chênh lệch đáng kể chủ yếu nằm ở hai khoản mục tài sản FVTPL và khoản cho vay ngắn hạn.
Cụ thể, giá trị tài sản tài chính FVTPL tại cuối tháng 6 đạt 2.061 tỷ đồng, tăng 42% so với đầu năm. Trong đó, khoản chứng chỉ tiền gửi gấp 4,4 lần lên 921 tỷ đồng. Ngược lại, giá trị trái phiếu chưa niêm yết giảm 37% về mức 460 tỷ đồng, toàn bộ là trái phiếu của các tổ chức tín dụng. Công ty đã loại toàn bộ trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết khỏi danh mục đầu tư, chỉ còn nắm giữ hơn 174 triệu đồng trái phiếu doanh nghiệp niêm yết.
Ngoài ra, nửa tài sản còn lại chủ yếu ghi nhận ở khoản cho vay ngắn hạn với 4.160 tỷ đồng, bao gồm 4.026 tỷ đồng cho vay margin và 135 tỷ đồng ứng trước tiền bán chứng khoán. Mức vay margin này tăng 49% so với hồi đầu năm (ở mức 2.695 tỷ đồng).
Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 20/7, giá cổ phiếu BSI tăng 1,88% lên mức 32.600 đồng/ cổ phiếu.