Chứng khoán hút tiền, 44% dư nợ được “rót” từ khối ngân hàng Nhà nước
Hơn trăm nghìn tài khoản mới, tiền "ầm ầm" đổ vào chứng khoán
Theo số liệu vừa công bố từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD), số lượng tài khoản chứng khoán do nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới tháng 3/2021 tăng vọt lên mức cao nhất trong lịch sử: 113.191 tài khoản.
Trước đó, trong tháng 1 số tài khoản cá nhân mới chỉ ở mức 86.107 tài khoản và 57.000 tài khoản mở mới được ghi nhận vào tháng 2/2021.
Như vậy, so với tháng 2, số lượng tài khoản chứng khoán do nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới tháng 3/2021 đã tăng gấp gần 2 lần – con số kỷ lục.
Đặc biệt, số tài khoản do nhà đầu tư cá nhân nước ngoài mở mới trong tháng 3 cũng xác lập kỷ lục với 502 tài khoản, mức cao nhất kể từ tháng 5/2018.
Trước đó, trong năm 2020, mỗi tháng các công ty chứng khoán ghi nhận khoảng 50.000 người mới tham gia thị trường. Tổng cả năm khoảng 600.000 tài khoản mới, số người tham gia chứng khoán mới tăng kỷ lục nếu tính theo năm.
Số lượng tài khoản mở mới tăng kỷ lục đi kèm với đó nhiều dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán khiến các kỷ lục về tổng giá trị khớp lệnh liên tiếp được phá.
Tại ngày 12/4, riêng HOSE thanh khoản đã đổ xô mọi kỷ lục kể từ đầu năm khi lên tới hơn 21.500 tỷ đồng, trong đó có gần 20.000 tỷ đồng qua khớp lệnh.
Trước đó, ngay trong những phiên giao dịch đầu tiên của năm 2021 (5/1), tổng giá trị giao dịch toàn thị trường gồm cả HOSE, HNX và UpCom lên gần 19.300 tỷ đồng. Trong đó có khoảng 18.000 tỷ đồng khớp lệnh trực tiếp trên sàn. Vào thời điểm đó, đây là thanh khoản kỷ lục trong vòng 20 năm qua.
Ngân hàng nào đang cho vay chứng khoán nhiều nhất?
Dòng tiền từ nhóm nhà đầu tư mới (F0) là một trong những nguyên nhân khiến cho thị trường chứng khoán "nóng lên" trong thời gian qua.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh: "Ủy ban Chứng khoán đánh giá tăng trưởng thị trường chứng khoán chưa có vấn đề gì nóng và chưa vượt tầm kiểm soát".
Thông tin về nguồn tín dụng từ các ngân hàng đổ vào lĩnh vực chứng khoán, vị này cho biết, tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 9,5 triệu tỷ đồng, dư nợ tín dụng cho vay chứng khoán chiếm chưa đến 0,5%.
Theo đó, hết tháng 2 dư nợ cho vay lĩnh vực này đạt 42.590 tỷ đồng (giảm 7% so với cuối 2020). Đến tháng 3 tăng lên 45.326 tỷ đồng, giảm 1% so với cuối năm 2020. Tuy nhiên, đến ngày 14/4 tín dụng cho vay chứng khoán đạt khoảng 46.000 tỷ đồng (tăng 0,7% so với cuối năm ngoái).
Cũng theo số liệu của NHNN, dư nợ cho vay ngắn hạn đối với chứng khoán chiếm tỷ trọng chủ yếu với 96,21%. Còn theo nhu cầu vốn, dư nợ đầu tư kinh doanh chứng khoán khác chiếm tỷ trọng cao nhất với 70,54%; Tiếp đến là dư nợ đầu tư kinh doanh cổ phiếu chiếm 26,93%.
Đáng chú ý, hiện dư nợ chứng khoán tập trung chủ yếu ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước chiếm tới 43,47%, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần khác chiếm 48,42%.
Một số ngân hàng được NHNN chỉ tên có dư nợ chứng khoán lớn là: Vietcombank (chiếm 25,75% tổng dư nợ chứng khoán toàn hệ thống), BIDV (chiếm 13,47% tổng dư nợ chứng khoán toàn hệ thống), Ngân hàng TMCP Kỹ Thương - Techcombank (chiếm 12,46% tổng dư nợ chứng khoán toàn hệ thống), Ngân hàng TMCP Tiên Phong - TPBank (chiếm 8,91% tổng dư nợ chứng khoán toàn hệ thống), Ngân hàng TMCP Quốc tế - VIB (chiếm 5,25% tổng dư nợ chứng khoán toàn hệ thống), Vietinbank (chiếm 4,25% tổng dư nợ chứng khoán toàn hệ thống), Ngân hàng TMCP Hàng Hải – MSB (chiếm 4,16% tổng dư nợ chứng khoán toàn hệ thống).