Chứng khoán Mỹ 12/5: Dow Jones giảm 450 điểm, Nasdaq đứt chuỗi tăng 6 ngày

13/05/2020 08:34 GMT+7
Các chỉ số chứng khoán Mỹ đã giảm mạnh trong phiên giao dịch 12/5 khi các nhà đầu tư đánh giá lại những nỗ lực khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh mới nhất từ nhiều chính phủ.

Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones đóng cửa thấp hơn 457,21 điểm, tương đương 1,9%, xuống mức 23.764,78 điểm. S & P 500 giảm 2,1% xuống 2.870,12 điểm trong khi Nasdaq Composite cũng giảm hơn 2% xuống 9.002,55 điểm. Mức giảm điểm hôm 12/5 đã phá vỡ chuỗi chiến thắng sáu phiên liên tiếp của Nasdaq.

Chứng khoán Mỹ 12/5: Dow Jones giảm 450 điểm, Nasdaq đứt chuỗi tăng 6 ngày  - Ảnh 1.

S&P 500 lao dốc trong phiên giao dịch 12/5 trên thị trường chứng khoán Mỹ

Hàng loạt cổ phiếu công nghệ như Facebook, Amazon và Apple đều giảm hơn 1%. Cổ phiếu Netflix và Alphabet đóng cửa giảm hơn 2%. Các cổ phiếu ngân hàng như Bank of America, Citigroup, JPMorgan Chase và Wells Fargo đều giảm ít nhất 3% trong cùng phiên giao dịch. Cổ phiếu Nike và Disney cũng trượt hơn 2,9%.

Peter Boockvar, giám đốc đầu tư của Bleakley Advisory Group cho biết: “Nền kinh tế vẫn chịu nhiều áp lực… Mặc dù một số hoạt động sản xuất kinh doanh đang khôi phục, nhưng nó sẽ khôi phục dần dần và theo tường giai đoạn. Do đó, (các nhà đầu tư) kỳ vọng nền kinh tế sẽ hồi phục chậm chạp trong khi chúng ta vẫn đang ở trong thời kỳ suy thoái sâu sắc”.

Tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia đã có buổi điều trần trước Ủy ban Y tế Thượng viện để thảo luận về việc mở lại nền kinh tế. Ông Fauci và nhiều quan chức y tế khác cho hay việc sản xuất một loại vaccine tiềm năng là rất cần thiết để ngăn chặn sự lây lan virus, nhưng cảnh báo sẽ mất nhiều thời gian trước khi vaccine hoàn tất thử nghiệm và sử dụng được trên người. Ông Fauci cũng nói thêm về nguy cơ số ca tử vong do Covid-19 tại Mỹ tăng vọt khi các quốc gia mở cửa trở lại nền kinh tế quá vội vàng.

Mike Pyle, một chiến lược gia đầu tư toàn cầu tại Viện Nghiên cứu BlackRock cho hay thị trường đã bị tác động bởi một bên là sự lạc quan về kỳ vọng khôi phục hoạt động kinh tế như dự kiến và một bên là những dữ liệu kinh tế khá ảm đạm. Các quan chức New York, tiểu bang nơi dịch Covid-19 bùng phát mạnh nhất nước Mỹ mới đây cũng vạch ra kế hoạch khôi phục dần dần hoạt động kinh tế. 

Thị trường chứng khoán Mỹ cũng chịu áp lực sau khi Thượng nghị sĩ Lindsey Graham hôm 12/5 yêu cầu Trung Quốc hợp tác điều tra về sự bùng phát đại dịch Covid-19 hoặc sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt từ Mỹ. 

Trong cùng ngày, Cục Dự trữ Liên bang FED cũng bắt đầu mua trái phiếu doanh nghiệp như nội dung chương trình kích thích kinh tế được công bố hồi tháng trước, để làm giảm thiểu phần nào khủng hoảng từ đại dịch Covid-19 với nền kinh tế.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục