Chứng khoán Mỹ phục hồi, chấm dứt chuỗi giảm nhờ tín hiệu từ đàm phán Mỹ Trung
Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones tăng 146,97 điểm, tương đương 0,5% lên mức 27.649,78 điểm. Chỉ số S & P 500 tăng 0,6%, kết thúc phiên giao dịch ở mức 3.112,76 điểm trong khi chỉ số Nasdaq Composite tăng 0,5% lên 8.566,67 điểm.
Cổ phiếu lĩnh vực sản xuất chip đã tăng mạnh hôm 4/11 khi chứng chỉ quỹ VanEck Vectors Semiconductor ETF (SMH) đo lường hiệu suất các doanh nghiệp con chip lớn của Mỹ đã phục hồi 1,5% sau phiên giảm trước đó. Cổ phiếu Micron Technology tăng mạnh 2,4%. Cổ phiếu Apple cũng tăng 0,9%.
Neil Dwane, chiến lược gia toàn cầu từ Allianz Global Investors nhận định: “Thành thật mà nói, tôi ngạc nhiên rằng cho đến giờ thị trường vẫn phản ứng với những diễn biến này. Các nhà đầu tư đang nhạy cảm hơn bao giờ hết. Mỗi khi có ai đó nói về thỏa thuận thương mại, chứng khoán Mỹ lại tăng hoặc giảm điểm.”
Hôm 4/12, tờ Bloomberg trích dẫn những nguồn tin thân cận cho hay Mỹ và Trung Quốc đang dần tiến tới việc thống nhất những mức cắt giảm thuế quan để mở đường cho thỏa thuận Mỹ Trung giai đoạn 1. Trong cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng tuyên bố đàm phán Mỹ Trung đang diễn ra hết sức tốt đẹp.
Trước đó một ngày, việc ông Trump đe dọa hoãn thỏa thuận thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đến sau bầu cử Tổng thống 2020 đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ lao đao. Dow Jones giảm 280 điểm, kéo dài chuỗi thua lỗ nặng 3 ngày liên tiếp sau khi các nhà đầu tư quan ngại rằng Mỹ và Trung Quốc không thể có thỏa thuận trước khi đợt thuế quan trừng phạt mới với 156 tỷ USD hàng Trung Quốc có hiệu lực vào 15/12 tới đây.
Adam Crisafulli, nhà sáng lập Vital Knowledge nhận định rằng thị trường dường như đang phản ứng quá dữ dội trước mỗi thông tin như vậy. Thực chất, mức tăng hôm 4/12 của chứng khoán Mỹ đã bị kiềm chế sau thông tin Pháp và EU đe dọa trả đũa mức thuế quan 100% với số hàng hóa trị giá 2,4 tỷ USD xuất xứ từ Pháp.
Hôm 2/12, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ đã công bố danh sách các loại hàng hóa Pháp dự kiến bị áp thuế 100% để trả đũa mức thuế kỹ thuật số 3% mà Pháp thông qua hồi tháng 7/2019 - điều gây thiệt hại nghiêm trọng cho các doanh nghiệp công nghệ lớn của nước Mỹ. Đáng chú ý là nhiều quốc gia EU khác cũng đang có kế hoạch áp dụng thuế kỹ thuật số. Danh sách hàng hóa bao gồm các mặt hàng túi xách thời trang xa xỉ phẩm, rượu vang, sô-cô-la… Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross sau đó nhấn mạnh rằng chính quyền Trump không loại trừ khả năng áp thuế lên ô tô và phụ tùng ô tô nhập khẩu từ Châu Âu.