Chứng khoán Mỹ tụt dốc, kết thúc tuần giảm thứ 3 liên tiếp

19/09/2020 07:28 GMT+7
Chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm trong phiên giao dịch 18/9, kết thúc một tuần giao dịch đầy biến động khi các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu công nghệ.
Chứng khoán Mỹ tụt dốc, kết thúc tuần giảm thứ 3 liên tiếp - Ảnh 1.

Chứng khoán Mỹ tụt dốc, kết thúc tuần giảm thứ 3 liên tiếp

Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones giảm 244,56 điểm, tương đương 0,9%, xuống 27.657,42 điểm. S&P 500 giảm 1,1% xuống 3.319,47 điểm. Nasdaq Composite cũng giảm 1,1% và đóng cửa ở mức 10.793,28 điểm. S&P 500 đã chạm mức thấp nhất trong tháng vào thứ Sáu sau khi lập đỉnh thời đại vào ngày 2/9.

Các chỉ số chứng khoán Mỹ kết thúc tuần giảm thứ ba liên tiếp, chuỗi giảm tuần dài nhất kể từ năm ngoái đến nay. Trong tuần, Dow Jones giảm nhẹ, S&P 500 mất 0,7% và Nasdaq giảm 0,6%.

Cổ phiếu của Apple đã giảm hơn 3% trong phiên giao dịch hôm 18/9. Cổ phiếu Microsoft và Alphabet giảm lần lượt 1,2% và 2,4%. Cổ phiếu Netflix mất 0,1% còn Facebook giảm 0,9%.

Kết thúc tuần giao dịch, các cổ phiếu đại gia công nghệ chứng kiến sự giảm mạnh. Cổ phiếu Facebook và Amazon đều đã giảm hơn 5%. Alphabet, Netflix, Apple và Microsoft cũng tụt dốc mạnh mẽ. Như vậy, từ đầu tháng 9 đến nay, cả 6 cổ phiếu này đều giảm hơn 10%. Nổi bật là cổ phiếu Apple giảm 17,2%.

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ cũng làm suy giảm tâm lý thị trường sau khi chính phủ Mỹ cho biết họ sẽ chặn tất cả các lượt tải xuống 2 ứng dụng Trung Quốc phổ biến là TikTok và WeChat kể từ ngày Chủ nhật 20/9. Cổ phiếu Oracle, công ty đang nỗ lực hoàn tất thương vụ mua lại hoạt động của TikTok Mỹ từ tay ByteDance, đã giảm 0,7%.

Chứng khoán Mỹ cũng giảm mạnh khi các nhà đầu tư nhìn nhận triển vọng gói kích thích Covid-19 tiếp theo cũng như thời gian khả thi để vaccine Covid-19 được phân phối rộng rãi trên thị trường.

Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ vẫn đang tranh cãi xoay quanh gói kích thích kinh tế tiếp theo sau gói 2 nghìn tỷ đã tung ra. Tổng thống Donald Trump hôm thứ Tư cho biết ông thích “những con số lớn hơn”, nhưng các nhà lập pháp đang tỏ ra thận trọng vì sự phục hồi của kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu giảm tốc với ngày càng nhiều bất ổn.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục