Chuyển công an điều tra mua bán căn hộ “giá chênh”

08/01/2020 14:53 GMT+7
Nhận thấy có dấu hiệu trốn thuế, Chi Cục thuế quận 10 vừa chuyển hồ sơ chuyển nhượng hợp đồng mua bán căn hộ chung cư tại một chung cư ở TP.HCM cho Công an điều tra.

Tháng 11/2019, Chi Cục thuế quận 10 (TP.HCM) đã có văn bản gửi Công an quận 10 (Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ), Công an TP.HCM, về việc điều tra hành vi có dấu hiệu trốn thuế qua mua bán căn hộ chung cư.

Cụ thể, Chi Cục thuế quận 10 cho biết đã tiếp nhận hồ sơ chuyển nhượng hợp đồng mua bán căn hộ chung cư (chuyển nhượng lần 2) ngày 19/11/2019 được lập tại Phòng Công chứng Mai Việt Cường.

Hợp đồng mua bán ghi rõ, bên bán là vợ chồng ông H. và bà L. (ngụ quận Tân Bình) và bên mua là ông K. (ngụ quận 6). Căn hộ chung cư được mua bán trong hợp đồng này thuộc Tầng 29 Toà tháp Jasmine 1, khu cao tầng thuộc dự án HaDo Centrosa Garden (200 đường 3/2, phường 12, quận 10).

Theo đó, vợ chồng ông H. và bà L. mua căn hộ nói trên từ chủ đầu tư với giá trị giao dịch là: 4.881.260.000 tỷ đồng, tổng giá trị đã thanh toán cho chủ đầu tư ở đợt thanh toán thứ 3 là: 4.656.946.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, mặc dù mua với giá cao, vợ chồng ông H. và bà L. lại quyết định bán rẻ căn hộ này cho ông K. thông qua hợp đồng mua bán ngày 19/11/2019 với mức giá bán là: 1.000.000.000 đồng.

Chi Cục thuế quận 10 xét thấy Hợp đồng giao dịch có dấu hiệu trốn thuế do hai bên đều khai giá chuyển nhượng thấp hơn giá chủ đầu tư dự án bán ra năm 2017 và giá thực tế thời điểm hiện nay.

Vì vậy, Chi Cục thuế quận 10 quyết định chuyển hồ sơ sang Công an quận 10 và đề nghị tiến hành điều tra, làm rõ hành vi khai thấp giá trị chuyển nhượng để trốn thuế đối với hai bên tham gia chuyển nhượng nói trên.

Chuyển công an điều tra mua bán căn hộ “giá chênh” - Ảnh 1.

Cơ quan chức năng đã bắt đầu "soi" giao dịch bất động sản có dấu hiệu trốn thuế.

Trước đó, Dân Việt đã thông tin "tình trạng bán nhà 2 giá" đang nở rộ trên thị trường bất động sản. Trong đó, giá bán căn hộ thực tế cao hơn giá bán trên Hợp đồng mua bán… đang được nhiều chuyên gia bất động sản nhận định có dấu hiệu của việc không minh bạch, trốn thuế. Ví dụ, giá thật của sản phẩm bán 2 tỷ đồng nhưng trong hợp đồng chỉ ghi 1,2 tỷ đồng thì phần còn lại chủ đầu tư không phải chịu thuế.

Từ nhận định về tình trạng chủ đầu tư đưa ra 2 giá khi bán hàng, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) cho rằng: "Việc mua bán có tiền chênh ngoài hợp đồng bằng hình thức kê khai 2 giá khi bán hàng là hành vi vi phạm pháp luật về thuế của doanh nghiệp. Tuy nhiên, người mua nhà chấp nhận điều đó để đỡ phải chịu khoản thuế từ số tiền ngoài hợp đồng và như vậy là đã tiếp tay cho chủ đầu tư trốn thuế".

Cũng theo ông Châu, khách hàng chấp nhận dù biết phạm luật, một phần do cơ chế hiện nay chưa thực sự chặt chẽ. Hiện chỉ có 1 phương pháp tính thuế là đánh thuế TNCN 2% trên giá trị hợp đồng đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản. Khi doanh nghiệp kê giá bán trong hợp đồng thấp hơn giá thực tế sẽ làm cho mức thu của Nhà nước bị giảm xuống.

"Cả khách hàng và doanh nghiệp đang thấy lợi trước mắt mà không nhìn thấy cái hại lâu dài, bởi thực trạng này góp phần khiến cho thị trường bất động sản thiếu minh bạch", ông Châu phân tích.

Ở góc độ pháp luật, luật sư Nguyễn Thanh Tùng – Đoàn luật sư TP Hà Nội chỉ rõ, khi các khoản giao dịch thấp hơn sổ sách ghi trong hợp đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ được tính thấp hơn thực tế, gây thất thoát ngân sách nhà nước. Đặc biệt, với những doanh nghiệp bỏ tiền chênh hàng chục tỷ đồng/ căn biệt thự ngoài hợp đồng, số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ thấp hơn đáng kể so với con số thực tế.

"Có thể khẳng định những doanh nghiệp bán hàng chênh lệch giá so với ghi trong hợp đồng là hành vi trốn thuế. Điều đáng nói, những doanh nghiệp mua bán như vậy là làm ăn không minh bạch, ảnh hưởng đến uy tín xây dựng lâu dài", luật sư Tùng nhấn mạnh.

Tăng cường rà soát

Tổng cục Thuế vừa có công văn gửi các Cục thuế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản.

Trong đó nêu rõ, khi tiếp nhận và xử lý hồ sơ chuyển nhượng bất động sản từ cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo cơ chế một cửa liên thông hoặc từ người nộp thuế, bộ phận xử lý hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính thực hiện kiểm tra về lịch sử giao dịch của bất động sản chuyển nhượng.

Trường hợp thông tin về đất và tài sản gắn liền trên đất của cùng một bất động sản giữa các lần chuyển nhượng không giống nhau, đề nghị gửi công văn yêu cầu văn phòng đăng ký đất đai xác định lại hoặc bổ sung thông tin.

Trường hợp thông tin xác định nghĩa vụ tài chính đầy đủ và không sai sót, thực hiện so sánh giá chuyển nhượng và thời gian giữa các lần chuyển nhượng, so sánh giá chuyển nhượng của các bất động sản có đặc điểm tương đồng để xác định tính trung thực, chính xác trong hồ sơ khai thuế của người nộp thuế.

Minh Khôi
Cùng chuyên mục