Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành: "Mục tiêu 6 - 6,5% cho năm 2024 có rất nhiều bất trắc"

09/11/2023 16:31 GMT+7
"Theo tôi, tăng trưởng GDP năm nay có thể đạt 5 - 5,5%, do đó mục tiêu 6 - 6,5% cho năm 2024 rất nhiều bất trắc. GDP có thể tăng trưởng tốt theo hướng đạt 6,7% nếu các chỉ số vĩ mô tích cực và chính sách tiền tệ không đảo chiều".

Đây là nhận định của ông Nguyễn Xuân Thành - Chuyên gia kinh tế, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2024 (Vietnam Investment Forum 2024) với chủ đề "Theo dấu Dòng tiền – Tracking the Cash flow" do Trang thông tin điện tử tổng hợp VietnamBiz phối hợp với Câu lạc bộ Giám đốc Tài chính Việt Nam (CFO Việt Nam) tổ chức chiều 9/11.

Động lực tăng trưởng năm 2024

Tại Diễn đàn, bàn luận về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, ông Nguyễn Xuân Thành nêu ra các động lực chính động lực chính tác động đến tăng trưởng hai tháng cuối năm và nhìn rộng hơn là năm 2024.

Đầu tiên là sự tích cực từ yếu tố xuất khẩu đã phục hồi và tăng trưởng. Xuất khẩu tháng 10 năm nay so với tháng 10 năm ngoái tăng hơn 5,9%. Các nhà xuất khẩu cho biết tồn kho giảm xuống, các đơn hàng đã có trở lại, đặc biệt là thị trường Mỹ. Các hãng tàu cũng lạc quan trở lại cho thấy tín hiệu xuất khẩu tốt lên và thông thường tháng 11, tháng 12 sẽ rất tích cực xuất khẩu. Hai nền kinh tế có sự sụt giảm xuất khẩu sâu nhất đầu năm nay là Việt Nam và Đài Loan đều cùng phục hồi.

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành: Năm 2024 có rất nhiều bất trắc, nhưng Việt Nam sẽ có tăng trưởng xuất khẩu từ 5-7% - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam.

"Nhìn sang năm 2024 có rất nhiều bất trắc. Nếu như kinh tế toàn cầu trong đó có Mỹ hạ cánh mềm, Việt Nam có thể phục hồi xuất khẩu sang thị trường này, nếu kinh tế Trung Quốc không quá xấu có thể tạo động lực xuất khẩu cho cả năm 2024. Nhưng vẫn còn rất nhiều bất trắc đối với tăng trưởng toàn cầu. Dù vậy, năm 2024 chúng ta vẫn sẽ có tăng trưởng xuất khẩu từ 5-7% chứ không bị âm như năm nay", ông Thành nói.

Động lực tích cực thứ hai là giải ngân vốn đầu tư công từ cuối năm nay đến sang năm sau. Thị trường có thể có sự thắc mắc là giải ngân ít quá nhưng chúng ta phải hiểu là giải ngân vốn đầu tư công luôn có độ trễ khoảng 5 tháng, theo ông Thành.

Theo tôi, tăng trưởng GDP năm nay có thể đạt 5 - 5,5%, do đó mục tiêu 6 - 6,5% cho năm 2024 rất nhiều bất trắc. GDP có thể tăng trưởng tốt theo hướng đạt 6,7% nếu các chỉ số vĩ mô tích cực và chính sách tiền tệ không đảo chiều. Vấn đề của thị trường bất động sản chưa thể giải quyết được trong năm 2024, nếu kinh tế toàn cầu xấu đi và chính sách tiền tệ nới lỏng thì phải xem xét lại.

Theo ông Thành, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công năm nay đã cao hơn năm ngoái và do độ trễ của đầu tư công nên con số 32 tỷ USD sẽ ra tác động đến kinh tế vào cuối năm nay đầu năm sau.

Sắp tới, Quốc hội sẽ phê duyệt ngân sách năm 2024, năm sau sẽ không có Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế nên quy mô đầu tư công sẽ thấp đi chỉ còn khoảng 29 tỷ USD, nhưng đây vẫn là một con số lớn.

Bên cạnh đó, xuất khẩu phục hồi, đơn hàng quay trở lại sẽ khiến cho lao động khu công nghiệp sẽ quay trở lại tạo cú hích cho tiêu dùng. Nếu Quốc hội thông qua việc giảm thuế VAT 2% cũng là cú hích tiếp theo cho 6 tháng đầu năm 2024. Ở Việt Nam, những chính sách cho đối tượng thì sẽ khó giải ngân nhưng giảm thuế sẽ mang lại hiệu quả rất tốt.

Năm nay tín dụng có thể tăng 11% so với mục tiêu 14%

Nhận định về chính sách tiền tệ cho thời gian tới, ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng, định hướng chính sách của nhà điều hành luôn muốn duy trì chính sách tiền tệ hỗ trợ cho tăng trưởng bởi áp lực cho giai đoạn 2024 - 2025 là lấy lại đà tăng trưởng kinh tế để đạt mục tiêu cả nhiệm kỳ. Do đó, các chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đều ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng.

"Tất nhiên mong muốn của nhà điều hành là như thế nhưng có làm được không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Hiện tất cả ngân hàng trung ương đều điều hành chính sách theo hướng dò đường với tự tin rất thấp, khả năng mắc sai lầm rất cao, kể cả Fed", ông Thành nói.

Theo ông Thành, năm nay tín dụng có thể tăng 11% so với mục tiêu 14%, mục tiêu của năm sau là tăng 14 - 15% để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng 6,5% trở lên. Việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng phải duy trì nhưng hoàn toàn có thể đảo chiều khi chịu áp lực hai yếu tố: tỷ giá và lạm phát.

"Trong điều kiện bình thường, NHNN sẽ cố gắng để không tăng lãi suất điều hành nhưng nếu xuất hiện sức ép thì buộc phải thay đổi để thích ứng. Điều này phải quan sát từng tháng năm 2024 thì mới có thể phán đoán được", ông Thành nói.

O.L
Cùng chuyên mục