Chuyên gia SSI Research: Năm 2023, khả năng lãi suất sẽ hạ nhiệt

24/12/2022 10:58 GMT+7
Theo chuyên gia SSI, trong năm 2023, quan điểm của SSI Research là lãi suất có khả năng hạ nhiệt được. Tuy nhiên, mức lãi suất đó hạ có đủ hấp dẫn kích thích nhu cầu trên thị trường bất động sản hay không là điều cần chờ thêm.

Năm 2023 lãi suất có khả năng sẽ hạ nhiệt

Chia sẻ tại talkshow Chọn danh mục kỳ thứ 9 do báo Đầu tư tổ chức với chủ đề “Nhận diện biến số 2023”, bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Đầu tư, Người điều hành Quỹ Đầu tư Cổ phiếu Tiếp cận Thị trường Việt Nam (VESAF) thuộc VinaCapital, NHNN còn đang triển khai một loạt biện pháp hỗ trợ gần để các ngân hàng có điều kiện cho vay như bơm tiền thông qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO); có kế hoạch mua USD, đồng thời điều chỉnh tỷ lệ cho vay/huy động LDR của các ngân hàng …đều hỗ trợ thanh khoản để NH có điều kiện cho vay. Các biện pháp này theo bà Phương đang giúp giảm bớt căng thẳng ngắn hạn.

Tuy nhiên, đại diện quỹ VESAF cũng nhấn mạnh hiệu ứng hỗ trợ cho nền kinh tế sẽ từ từ. Như với kế hoạch mua USD của NHNN, điều này chỉ xảy ra khi giá USD trong ngân hàng tiếp tục giảm và cũng cần cân đối với nguồn USD mà Việt Nam thu hút được trong thời gian sắp tới. Nguyên nhân thứ hai là bởi niềm tin của NĐT vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa trở lại. Thị trường vẫn tiếp tục cần thời gian để các thương thảo thu xếp các khoản nợ khi các khoản trái phiếu bất động sản lớn đáo hạn trong năm 2023.

Chuyên gia SSI Research: Năm 2023, khả năng lãi suất sẽ hạ nhiệt - Ảnh 1.

Talkshow Chọn danh mục kỳ thứ 9 do báo Đầu tư tổ chức với chủ đề “Nhận diện biến số 2023

Ngoài ra, lãi suất huy động vẫn cao ở một số ngân hàng có mức thanh khoản kém do tỷ lệ LDR theo quy định mới. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giữ ở nền cao sẽ làm ảnh hưởng đến nhu cầu vay, đặc biệt nhu cầu mua bất động sản. Các doanh nghiệp bất động sản sẽ vẫn đối mặt với áp lực dòng tiền. Dù các ngân hàng cam kết trần huy động lãi suất ở mức 9,5% nhưng vị chuyên gia từ Vinacapital nhận định tốc độ hạ lãi suất từ mức 10%-11% hiện tại sẽ diễn ra chậm. Với loạt yếu tố hạn chế trên, bà Phương đánh giá động thái điều chỉnh chính sách của Ngân hàng Nhà nước mang tính hỗ trợ ngắn hạn, vẫn còn khá nhiều thách thức chủ yếu đến từ áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp thời gian tới.

Theo quan điểm của vị chuyên gia từ Chứng khoán SSI, bất cập của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản - hai thị trường này có mối liên hệ khá chặt với hệ thống ngân hàng đã có tác động khá lớn đến nền kinh tế, đồng thời. là yếu tố nội tại tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam.

Vấn đề của thị trường trái phiếu doanh nghiệp này theo bà Phương đến từ khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong 3 năm vừa qua phần lớn đến từ các doanh nghiệp bất động sản. Trong khi đó, hiện tại, thị trường này đang bị ảnh hưởng bởi mức lãi suất cao, như mức lãi suất cho vay mua nhà khoảng 13% thì nó không kích thích được nhu cầu của người đi mua nhà, tiến hành đi vay.

Chính vì vậy, trong năm 2023, quan điểm của SSI Research là lãi suất có khả năng hạ nhiệt được. Tuy nhiên, mức lãi suất đó hạ có đủ hấp dẫn kích thích nhu cầu trên thị trường bất động sản hay không là điều cần chờ thêm. Và việc đáo hạn trái phiếu tạo ra các áp lực trong năm 2023, do đó, cần chờ dự thảo sửa đổi nghị định 65 được thông qua giúp giảm nhẹ những áp lực này.

"Với những yếu tố nội tại, tình hình năm 2023 sẽ dễ thở hơn năm 2022, chủ yếu là những khó khăn này phản ánh khá nhiều vào thị trường, tuy nhiên, thị trường có thể vẫn “gập ghềnh” do những vấn đề tôi vừa nhắc đến", bà Hoàng Việt Phương đánh giá.

Tuy nhiên, điểm tích cực là chủ trương hướng tín dụng đến các lĩnh vực thiết yếu, sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, xuất khẩu...; trong khi, hạn chế dòng vốn trực tiếp vào các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán. Giám đốc Đầu tư quỹ VESAF cho rằng đây là cơ hội để phân loại lại các doanh nghiệp tốt, xấu. Nhóm có thể tiếp cận được dòng vốn trên sẽ có cơ hội bứt phá, thể hiện trên kết quả kinh doanh cũng như giá cổ phiếu.

Nguy cơ đảo chiều của dòng vốn ngoại 

Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư của CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết, trong tháng 10 và 11, dòng vốn nước ngoài vào thị trường Việt Nam bao gồm cả các ETF, các quỹ chủ động đạt mức vào ròng khoảng 490 triệu USD.

Đây là sự đảo chiều vô cùng tích cực nếu nhìn lại nhiều năm trước đây, có một khoảng thời gian dài rút ròng của các nhà đầu tư nước ngoài. Việc định giá đã sụt giảm rất mạnh phản ánh khá nhiều những rủi ro trong năm nay và kể cả trong thời gian sắp tới, chính vì vậy đã kích hoạt dòng vốn nước ngoài quay trở lại Việt Nam.

Bà Phương cho rằng, đây là một điểm tích cực và có thể tiếp tục theo dõi yếu tố này. Mặc dù nó có thể không đều, không liên tục nhưng sẽ có những thời điểm quan trọng tạo ra cú hích cho thị trường Việt Nam.

Lý giải về động thái mua ròng mạnh mẽ của khối ngoại, bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Đầu tư của Công ty Quản lý quỹ VinaCapital cho biết yếu tố dòng vốn nước ngoài quay trở lại Việt Nam cũng được hỗ trợ bởi yếu tố kinh tế vĩ mô và tiền tệ ở thế giới.

"Chúng ta thấy rằng khi đồng USD thông qua chỉ số DXY so sánh tương quan với giá trị các đồng tiền khác cũng đã giảm từ đỉnh là 114 xuống còn 104.

Thêm nữa động thái Mỹ giảm mức độ tăng lãi suất sẽ làm chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và các nước khác hẹp đi. Như vậy khi đồng USD không còn dư địa tăng giá mạnh, từ đó sẽ hướng dòng tiền từ Mỹ qua các nước khác, qua các thị trường khác, trong đó có Việt Nam như chúng ta đã thấy trong thời gian vừa qua".

Trong thời gian qua, động thái mua ròng kỷ lục của khối ngoại đã đóng góp không nhỏ trong việc củng cố tâm lý của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu vốn nước ngoài vào ồ ạt trong tháng 11 thì đến tháng 12 có đảo chiều hay không?

Về vấn đề này, bà Hoàng Việt Phương cho biết dòng vốn ngoại thông thường được chia thành hai nhóm là nhóm quỹ chủ động và nhóm ETF đầu tư thụ động. Với nhóm quỹ đầu tư chủ động, thường họ sẽ tập trung vào việc chọn cổ phiếu. Đối với các quỹ ETF vì là nhóm bị động nên họ sẽ phân bổ danh mục theo rổ cổ phiếu đã được định sẵn từ trước và cách phân bổ của họ khá nhanh.

Sự khác biệt giữa hai loại hình này là các quỹ chủ động thì thường có thời hạn đầu tư khá dài và nhìn vào câu chuyện triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong dài hạn. Còn ETF thì lại có thời hạn đầu tư tương đối ngắn hơn và việc rút ra đảo chiều có thể xảy ra khá nhanh.

“Dù vậy, trong thời gian gần đây chúng tôi cũng không quan sát thấy việc đảo chiều sẽ diễn ra quá bất ngờ, nhất là trong thời điểm thị trường Việt Nam đang ở mức định giá thấp như vậy thì chúng ta cũng sẽ không kỳ vọng có sự đảo chiều quá nhanh sau khi vừa có một dòng vốn đầu tư mạnh mẽ vừa giải ngân”, bà Phương cho hay.


An Vũ
Cùng chuyên mục