Chuyên gia VinaCapital nói về mặt hàng chiến lược giúp Việt Nam hướng tới cân bằng thương mại với Mỹ sau quyết định thuế quan của Tổng thống Donald Trump
Tổng thống Mỹ
Donald Trump công bố mức thuế đối ứng đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang
Mỹ lên tới 46% vào ngày 3/4/2025 theo giờ Việt Nam.

*Bao gồm các yếu tố như “thao túng tiền tệ và rào cản thương mại” (theo phía Mỹ).
Để tính ra mức thuế mà phía Mỹ cho rằng, Việt Nam đang áp lên phía Mỹ (là 90%). Họ đã lấy 123 tỷ USD thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam trong năm 2024 chia cho 137 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam vào Mỹ trong cùng năm.
Trong bối cảnh hiện nay, ông Michael Kokalari – Giám đốc Phòng Phân tích Kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu Thị trường của VinaCapital – nhận định, Việt Nam cần khẩn trương nhập khẩu hàng hóa nhiều hơn từ Mỹ.
Và tín hiệu tích cực, theo ông Michael Kokalari đến từ ngành năng lượng Việt Nam. Theo đó, Việt Nam dự kiến sẽ nhanh chóng nhập khẩu khoảng 35 tỷ USD khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) mỗi năm thông qua việc sử dụng các tàu chứa và tái hóa khí nổi (FSRU), nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước trong khi việc xây dựng các tổ hợp cảng và kho chứa LNG có thể kéo dài nhiều năm.
Thực tế, vào giữa tháng 3, trong khuôn khổ chuyến công tác tại Mỹ làm việc với Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR), Bộ Năng lượng (DOE) và các cơ quan liên quan của Mỹ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trong vài trò đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ, đã tham dự và chứng kiến buổi lễ ký kết và công bố các thỏa thuận hợp tác, hợp đồng mua sắm máy móc, trang thiết bị, nguyên nhiên vật liệu và dịch vụ, hàng hóa giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ.
Tổng giá trị các thỏa thuận kinh tế, thương mại ký kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ dự kiến sẽ triển khai trong giai đoạn từ năm 2025 khoảng 90,3 tỷ USD, tạo ra hàng trăm nghìn việc làm cho người lao động hai nước.
Nhiều thỏa thuận hợp tác có
ý nghĩa quan trọng, đã được ký kết trong buổi
làm việc này. Trong đó, Tổng Công ty khí Việt Nam (PV GAS) ký bản ghi nhớ hợp
tác với Tập đoàn Conoco Phillips, ký với Tập đoàn Excelerate biên bản ghi nhớ về
một số thỏa thuận mua bán dài hạn khí hóa lỏng LNG.
Đến thời điểm hiện nay, Việt Nam phải hoàn toàn nhập khẩu LNG vì trong nước chưa sản xuất được, với các nguồn cung bao gồm Mỹ, khu vực châu Âu, Trung Đông, châu Á…
Hiện nay, Việt Nam chỉ có duy nhất 1 tổ hợp kho và cảng LNG phục vụ nhập khẩu và tái phân phối: Kho cảng LNG Thị Vải tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Tổ hợp này được khởi công xây dựng năm 2019 với tổng vốn đầu tư ban đầu gần 300 triệu USD, công suất 1 triệu tấn, do Tổng công ty khí Việt Nam (PV GAS) làm chủ đầu tư.
PV GAS, 1 trong những đơn vị chủ lực trực thuộc Tập đoàn Petrovietnam (PVN), khánh thành tổ hợp vào tháng 10/2023 sau khi tiếp nhận thành công chuyến hàng đầu tiên vào tháng 7/2023.
Trong tháng 3/2025, PV GAS cam kết nâng công suất tái hóa khí của tổ hợp hiện đại này từ 5,7 triệu Sm3/ngày lên 7 triệu Sm3/ngày (Sm3 là đơn vị tiêu chuẩn quốc tế để đo lượng khí đốt; m3 là mét khối và S là tiêu chuẩn).
Ngoài ra, giai đoạn 2026-2029, doanh nghiệp lớn nhất trong ngành khí Việt Nam sẽ vận hành thêm kho nổi FSRU tổ hợp Thị Vải. PV GAS cho biết, kho FSRU này có sức chứa 135.000 – 174.000 Sm3 LNG và công suất tái hóa lên tới 14 triệu Sm3/ngày, nâng tổng công suất toàn hệ thống lên 22 triệu Sm3/ngày.
Trong 5 năm tới, kế hoạch của doanh nghiệp là tăng tổng công suất lên hơn gấp 3 lần, góp phần giúp Việt Nam tăng nguồn cung điện nhằm bảo đảm về an ninh năng lượng, thúc đẩy quá trình chuyển dịch sang năng lượng sạch để hướng tới trung hòa carbon (Net zero).

Một tín hiệu khác, Việt Nam đã giảm
thuế hàng loạt mặt hàng nhập khẩu từ thị trường này. Thuế suất nhập khẩu ưu đãi cho LNG giảm từ 5% xuống 2%. Đối với mặt hàng
ethane, bổ sung mã HS 2711.19.00 vào chương 98 với mức thuế suất thuế nhập khẩu
ưu đãi là 0%.
Việt Nam đã giảm thuế nhập khẩu ô tô đã giảm từ 64% xuống 50%, thuế ethanol giảm từ 10% xuống 5%, và thuế đối với đùi gà đông lạnh giảm từ 20% xuống 15%. Thuế nhập khẩu đối với các loại hạt như hạnh nhân, hồ trăn, táo tươi và cherry đã giảm từ 8 – 15% xuống còn 5%. Thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm gỗ và đồ nội thất đã giảm từ 20–25% xuống 0%.
Những động thái kể trên phần nào cho thấy, Việt Nam đang tăng cường nhập khẩu LNG. Trong khi đó, Mỹ chính là một trong những nguồn cung hàng đầu thế giới về LNG. Đây trước mắt, được xem như một mặt hàng chiến lược giúp Việt Nam hướng tới cân bằng thương mại với Mỹ sau quyết định thuế quan của Tổng thống Donald Trump
Theo Quy hoạch điện VIII của Chính phủ, đến năm 2030, điện khí LNG chiếm tỷ trọng hơn 14,9% tổng công suất toàn hệ thống phát điện quốc gia và là một trong các nguồn giúp bảo đảm cung cấp đủ, ổn định và an toàn hệ thống điện quốc gia.
Chuyển dịch năng lượng (sử dụng các nguồn năng lượng sạch hơn) và giảm phát thải khí nhà kính đóng vai trò rất quan trọng trong việc chuyển đổi và hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (chính là Net zero) vào năm 2050 của Chính phủ.