Cổ đông VietA Bank: Mua ưu đãi cao gấp… 5 lần thị giá

12/02/2020 06:33 GMT+7
Cổ phiếu VietABank có giá trị sổ sách 12.099 đồng/CP nên cổ đông được coi là nhận "ưu đãi" khi chỉ phải trả 10.000 đồng/CP. Thế nhưng, nếu xét theo thị giá thì nhà đầu tư lỗ to vì đây là con số cao gấp… 5 lần.

Mua ưu đãi giá cao gấp… 5 lần thị giá

Mới đây, Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) đã thông qua Nghị quyết về việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ.

Theo đó, VietABank dự kiến phát hành 150,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ hiện quyền là 100:43 (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được 1 quyền mua và cứ 100 quyền mua được mua 43 cổ phiếu mới phát hành thêm, số cổ phiếu mới phát hành thêm sẽ được làm tròn xuống hàng đơn vị). 

Theo VietABank, căn cứ theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2018, giá trị sổ sách tại thời điểm 31/12/2018 của cổ phiếu VietABank là 12.099 đồng/CP. Tuy nhiên, do đây là đợt phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu nên Hội đồng quản trị trình ĐHĐCĐ phê duyệt giá chào bán là 10.000 đồng/CP.

Cổ đông VietA Bank: Mua ưu đãi cao gấp… 5 lần thị giá - Ảnh 1.

Giá chào mua cổ phiếu VietABank cao gấp... 5 lần thị giá trên OTC.

So với giá trị sổ sách cổ phiếu VietABank do chính ngân hàng cung cấp, cổ đông sẽ được hưởng lợi 2.099 đồng/CP, tương ứng 17,3%.

Tuy nhiên, trên thực tế, cổ đông sẽ phải gánh chịu thiệt thòi lên đến 80% nếu so sánh với thị giá cổ phiếu VietABank. Hiện tại, trên thị trường OTC, cổ phiếu VietABank được chào bán và chào mua phổ biến ở mức chỉ… 2.000 đồng/CP, thấp hơn 80% so với mệnh giá.

Bên cạnh đó, có một điều đáng chú ý là VietABank không chỉ trở thành cổ phiếu ngân hàng có thị giá thấp nhất (trên cả thị trường OTC và thị trường niêm yết) mà còn là cổ phiếu có thị giá thấp nhất OTC.

Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của VietABank sẽ tăng từ gần 3.500 tỷ lên hơn 5.000 tỷ đồng. Thế nhưng, với việc mức chênh lệch giữa giá mua dành cho cổ đông và thị giá trên OTC quá lớn đến như vậy, nhiều người nghi ngờ khả năng thành công của đợt hành này.

May mắn thoát lỗ

Việc cổ phiếu VietABank không bị nhà đầu tư quay lưng đến mức trở thành cổ phiếu ngân hàng có thị giá thấp nhất cũng có nguyên nhân. Trong khi nhiều ngân hàng đua nhau báo lãi cao kỷ lục như Vietcombank, BIDV, VietinBank, SHB,… thì VietABank lại thở phào vì… thoát lỗ.

Cụ thể, trong quý 4/2018, VietABank lỗ gần 4,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm nay, theo báo cáo tài chính quý 4/2019, trong kỳ, VietABank đã lãi 107 tỷ đồng, lũy kế cả năm đạt 244 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng mạnh so với 118 tỷ đồng của năm 2018.

Lợi nhuận tăng trưởng mạnh chưa hẳn đã mang lại gam màu tươi sáng hơn cho VietABank vì các chỉ tiêu quan trọng của ngân hàng này đều đi lùi. Yếu tố chính "làm đẹp" báo cáo của VietABank là "Lợi nhuận khác" và cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.

Cụ thể, trong năm 2019, thu nhập lãi thuần, chỉ tiêu quan trọng nhất trong hoạt động của một ngân hàng giảm từ 1.110 tỷ đồng xuống chỉ còn 1.019 tỷ đồng. Trong khi đó, khoản lỗ từ hoạt động dịch vụ tăng từ 7,5 tỷ đồng lên 13,1 tỷ đồng. Các hoạt động khác có biến động chậm.

Hai yếu tố "cứu" lợi nhuận của VietABank là lợi nhuận khác và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Đáng kể, lợi nhuận khác tăng 149 tỷ đồng, tương đương 207% lên 221 tỷ đồng so với năm 2018. Tuy nhiên, VietABank công bố báo cáo tài chính không đầy đủ nên không rõ lợi nhuận khác đến từ hoạt động nào.

Cùng với lợi nhuận khác, việc cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng đóng góp giúp lợi nhuận sau thuế năm 2019 của VietABank tăng trưởng mạnh. Cụ thể, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng năm 2019 giảm 126 tỷ đồng, tương đương 27,1% xuống 339 tỷ đồng.

Cũng do VietABank không cung cấp báo cáo tài chính đầy đủ với thuyết minh báo cáo tài chính nên không rõ tình hình nợ xấu tại VietABank được giải quyết như thế nào mà ngân hàng có thể giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Chỉ biết trong năm 2019, VietABank ghi nhận tín dụng có tốc độ tăng trưởng mạnh.

Tại thời điểm 31/12/2019, chỉ tiêu cho vay khách hàng tại VietABank đạt 42.624 tỷ đồng, tăng 5.102 tỷ đồng, tương đương 13,6% so với năm 2018. Dự phòng rủi ro cho vay khách hàng tăng từ 394 tỷ đồng lên 461 tỷ đồng.

Ngọc Lâm
Cùng chuyên mục