Còn dư địa hạ lãi suất điều hành, lãi suất tiết kiệm dự báo giảm "sốc"

01/06/2023 08:31 GMT+7
Các chuyên gia cho rằng, lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước còn dư địa giảm, có thể giảm tới 100 điểm cơ bản trong quý III/2023. Lãi suất tiết kiệm bình quân cũng được kỳ vọng sẽ hạ về mức 6,5-6,7%/năm vào cuối năm 2023.

Ngày 23/05/2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định giảm một số lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn (giảm 0,5 điểm %), trần lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng đến 6 tháng (giảm 0,5 điểm %),...

Kể từ đầu năm 2023, NHNN đã có 3 đợt giảm lãi suất điều hành, theo đó: lãi suất tái chiết khấu giảm 1 điểm % về mức 3,5%/năm, lãi suất tái cấp vốn giảm 1 điểm % về 5,0%/năm, trần cho vay ngắn hạn của tổ chức tín dụng cho một số lĩnh vực ưu tiên giảm 1 điểm % về 5,0%/năm, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng (TCTD) giảm 1,5 điểm % về 5,5%/năm.

NHNN cũng hạ trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 1 tháng về 0,5%/năm và trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng tới dưới 6 tháng về 5,0%/năm, lần lượt giảm 0,5 điểm % và 1 điểm % so với đầu năm 2023.

Còn dư địa hạ lãi suất điều hành, lãi suất tiết kiệm dự báo giảm "sốc" - Ảnh 1.

Lộ trình Quyết định về lãi suất tái cấp vốn và chiết khấu của NHNN (2010 - 2023).

Lãi suất tiết kiệm lao dốc, dự báo giảm sốc bình quân về mức 6,5-6,7%/năm

Lãi suất điều hành giảm, lãi suất tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng cũng theo đó hạ nhiệt, đặc biệt là tại các kỳ hạn từ 1 tháng tới 6 tháng.

Cụ thể, theo số liệu thống kê từ công ty chứng khoán VnDirect, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng bình quân và kỳ hạn 12 tháng bình quân của nhóm ngân hàng tư nhân giảm mạnh lần lượt 57 điểm cơ bản và 28 điểm cơ bản kể từ đầu tháng 5/2023 trong khi lãi suất tiền gửi bình quân tại các ngân hàng quốc doanh giảm 80 điểm cơ bản ở kỳ hạn 3 tháng và 40 điểm cơ bản ở kỳ hạn 12 tháng.

Tính từ đầu năm 2023, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng bình quân giảm khoảng 100 điểm cơ bản trong khi lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng bình quân giảm khoảng 80 điểm cơ bản.

Còn dư địa hạ lãi suất điều hành, lãi suất tiết kiệm dự báo giảm "sốc" - Ảnh 2.

Nguồn: VnDirect

Trong tháng 5, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng của ngân hàng quốc doanh đã giảm 0,4 điểm % về mức 6,8%/năm. Trong khi đó, lãi suất tiết kiệm 12 tháng của các ngân hàng tư nhân dao động từ 6,6% đến 8,2%/năm với mức trung bình khoảng 7,2%/năm, giảm gần 0,3 điểm % so với cuối tháng 4.

Trong nhóm các ngân hàng tư nhân, lãi suất tiết kiệm giảm đáng kể nhất khoảng 0,4-0,6%/năm ở một số ngân hàng như TCB, VPB, STB, ACB, LPB, NAB, MSB, hay OCB.

Như vậy, sau những động thái quyết liệu của NHNN, ông Đinh Quang Hinh – Trưởng bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường (VnDirect) kỳ vọng, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng bình quân hạ về mức 6,5-6,7%/năm vào cuối năm 2023.

Các lý do cho kỳ vọng trên gồm: Nhu cầu tín dụng giảm do tăng trưởng kinh tế giảm tốc và thị trường bất động sản ảm đạm, Chính phủ thúc đẩy đầu tư công qua đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế và vẫn còn dư địa giảm thêm lãi suất điều hành vào cuối năm 2023.

Đánh giá về xu hướng lãi suất hiện nay, các chuyên gia đến từ SSI Research cho rằng, đa số lãi suất điều hành đều đã giảm về mức trước Covid-19 (năm 2019) hay thậm chí thấp hơn mức đó, cho thấy động thái khá chủ động của NHNN trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay, cũng như là tín hiệu cho việc lãi suất thị trường cần phải điều chỉnh thêm từ mức hiện tại để có thể về vùng trước Covid-19.

Các chuyên gia của VDSC cũng cho hay, hiện tại, các lãi suất điều hành cơ bản đã giảm trung bình khoảng 100 điểm cơ bản so với hồi đầu năm. Xét ở góc độ điều hành chính sách tiền tệ thận trọng thì dư địa để giảm thêm lãi suất điều hành là hạn hẹp nếu nhìn trong tương quan lãi suất USD/VND. Tuy nhiên, đặt trong tương quan chính sách tiền tệ là "cứu cánh" đối với tình hình kinh tế trong nước, VDSC cho rằng vẫn có khả năng sẽ có thêm một đợt giảm lãi suất 50 - 100 điểm cơ bản trong quý III/2023, đưa lãi suất điều hành về gần mức trước đợt tăng mạnh vào tháng 10 năm ngoái.

"Điều này đồng nghĩa với việc NHNN phải mạnh dạn đi thêm một bước nữa, dùng công cụ lãi suất điều hành để tạo áp lực giúp mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế giảm thêm. Nếu điều này diễn ra, chúng tôi kỳ vọng bước đi này sẽ mang tính quyết định hơn, có tính đánh đổi cao hơn và có thể tạo tác động lan tỏa tốt hơn so với các đợt giảm đầu năm nay" - Chuyên gia của VDSC cho hay.

Tiền chảy đi đâu khi lãi suất tiếp tục giảm?

Theo ông Huỳnh Minh Tuấn - Giám đốc Môi giới Hội sở Công ty Chứng khoán Mirae Asset, khi lãi suất giảm về mức thấp, những người gửi tiết kiệm sẽ bắt đầu có sự cân nhắc và dịch chuyển phân bổ tài sản của mình. Theo đó, tiền sẽ chảy từ kênh tiết kiệm ngân hàng sang các thị trường đầu tư khác như bất động sản (BĐS), thị trường chứng khoán nhưng sẽ có độ trễ. "Đối với kênh BĐS có thể trễ vài tháng sau nhưng với kênh chứng khoán thì sẽ nhanh hơn, có thể ngay từ tuần này, tháng sau luôn", ông nói.

Nhấn mạnh chứng khoán đang dần trở nên hấp dẫn hơn nhờ lãi suất giảm, ông Đinh Quang Hinh nêu: Mặc dù khoảng cách hiện tại giữa E/P và lãi suất huy động vẫn chưa thật sự hấp dẫn như giai đoạn tháng 10-11 năm ngoái để nhà đầu tư có thể giải ngân quyết liệt vào kênh chứng khoán, nhưng với dự báo lợi nhuận thị trường sẽ dần được cải thiện trong nửa cuối năm 2023 và mặt bằng lãi suất huy động có thể giảm thêm khoảng 0,3-0,5 điểm % trong năm nay thì kênh chứng khoán sẽ dần trở nên hấp dẫn hơn. Do đó, nhà đầu tư hoàn toàn có thể cân nhắc gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục đầu tư ở thời điểm này.


H.Anh
Cùng chuyên mục