Công nghiệp tàu thủy Dung Quất lỗ càng thêm lỗ, âm vốn chủ sở hữu 1.259 tỷ đồng
Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất được bàn giao từ Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) về Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) từ tháng 6/2010.
Cùng với Dự án Nhà máy xơ sợi Polyester Đình Vũ (PVTex), Dự án Nhiên liệu sinh học Dung Quất (Ethanol Dung Quất), Dự án Nhiên liệu sinh học Bình Phước (Ethanol Bình Phước) và Dự án Nhiên liệu sinh học Phú Thọ (Ethanol Phú Thọ), Dự án Nhà máy đóng tàu Dung Quất là một trong số 5 dự án do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) quản lý. Đồng thời, đây cũng là 5 trên tổng số 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ ngành Công Thương trước đây, hiện đã được được chuyển giao từ Bộ Công Thương sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Trong số 5 dự án nêu trên, Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất được bàn giao từ Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) về Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) từ tháng 6/2010.
Trong một báo cáo mới đây của PVN gửi tới Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ũy kế đến thời điểm 31/12/2018, vốn chủ sở hữu của Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất âm 1.259,7 tỷ đồng, đơn vị không bảo toàn được vốn đầu tư của chủ sở hữu.
Tổng doanh thu thực hiện trong năm 2018 là 421,2 tỷ đồng, tương đương 94% so với năm trước. Năm 2018, Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất đã lỗ 29,9 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước lỗ tăng thêm 139%, trong khi năm 2017 lãi 21,6 tỷ đồng.
Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản của doanh nghiệp ở mức -0,02%; tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu ở mức -0,08%. Còn hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là -5,4 lần cho thấy Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất đang mất khả năng thanh toán.
Còn trong 3 tháng đầu năm 2019, doanh thu của doanh nghiệp ước đạt 103,94 tỷ đồng.
Theo PVN, nguyên nhân chính dẫn đến thua lỗ của Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất do các tồn tại, hạn chế từ trước khi chuyển giao từ Vinashin sang PVN để lại những chi phí phát sinh tiềm ẩn rất lớn như việc đầu tư dàn trải, thiếu đồng bộ của Vinashin dẫn đến nhiều tài sản không sử dụng và sử dụng không hết công suất, chi phí tài chính rất lớn, các sản phẩm dở dang, còn nhiều thiếu sót về thiết kế, lỗi kỹ thuật trong thi công.
Cùng với đó, máy móc thiết bị tồn kho nhiều nhưng chưa có nhu cầu sử dụng và theo thời gian bị giảm giá trị; việc xác định nhu cầu đóng tàu để lập dự án thiếu chính xác nên Vinashin đã xây dựng nhà máy thừa công suất so với thực tế hiện nay.
Còn trong một báo cáo được Bộ Công Thương gửi Quốc hội, vướng mắc lớn nhất của doanh nghiệp là phải chịu gánh nặng tài chính lớn do thua lỗ từ thời kỳ chủ sở hữu là Vinashin; chi phí tài sản cố định quá lớn trong khi không có khách hàng để khai thác hết công suất các hạng mục đã đầu tư; cơ sở vật chất của Công ty còn thiếu và chưa đồng bộ, nhiều hạng mục công trình đầu tư còn dở dang và chưa hoàn thành công tác quyết toán.
Trong giai đoạn 2010 - 2016, sau khi được PVN tái cơ cấu, bổ sung nguồn vốn, Công ty hoạt động chủ yếu dựa vào các hợp đồng đóng mới, sửa chữa với các đơn vị thuộc PVN. Tuy nhiên, nguồn hợp đồng từ các đơn vị thuộc PVN ngày càng giảm, trong khi Công ty không đủ điều kiện để tham gia các hoạt động đấu thầu do các khoản nợ và lỗ lũy kế từ giai đoạn trước quá lớn. Hiện tại, Công ty vẫn tiếp tục có các đơn hàng thi công đóng mới, sữa chữa cho một số các tàu hàng dịch vụ của các đơn vị trong ngành, tuy nhiên giá trị các đơn hàng này không lớn.
Tại 31/12/2018, vốn chủ sở hữu của PVTex đã âm 2.497 tỷ đồng
Đối với một dự án thua lỗ nghìn tỷ khác là Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTex), PVN cho biết, tình hình tài chính của PVTex khó khăn, có thời gian nhà máy đóng cửa, bị lỗ liên tục từ khi vận hành đến nay.
Tại 31/12/2018, vốn chủ sở hữu của PVTex đã âm 2.497 tỷ đồng; tổng tài sản là 5.226 tỷ đồng.
Năm 2018, doanh thu thuần của PVTex là 50,84 tỷ đồng; công ty lỗ 701 tỷ đồng, tăng lỗ 18% so với cùng kỳ năm 2017. Theo đó, lỗ phát sinh trong năm 2018 của công ty chủ yếu là do khấu hao tài sản nhà máy, chênh lệch tỷ giá, lãi vay phải trả trong kỳ.
Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của PVTex năm 2018 là - 28%; tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) là - 13%; hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là -3,1 lần cho thấy đơn vị đang mất khả năng thanh toán.
Quý I/2019, tổng sản lượng sản xuất đạt 4.194 tấn sợi các loại, trong đó PVTEX tự sản xuất từ 20/4/2018 - 31/10/2018 là 1.438 tấn và gia công cho Công ty An Sơn (đơn vị thành viên của Công ty An Phát) từ 1/11/2018 - 31/03/2019 là 2.756 tấn. Tổng doanh thu trong giai đoạn PVTex tự vận hành sản xuất từ 20/4/2018 - 31/10/2018 là 58,33 tỷ đồng, lợi nhuận trước chi phí cố định là 3,313 tỷ đồng.