C.P tiếp tục đăng ký mua cổ phiếu Sao Ta để nâng tỷ lệ sở hữu lên 24,9%

27/10/2021 17:15 GMT+7
C.P. Việt Nam là nhà đầu tư duy nhất tham gia đợt chào bán hơn 6,5 triệu cổ phiếu FMC của Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta để nâng tỷ lệ sở hữu tại đây lên 24,9%.

Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta vừa công bố tờ trình về việc chào bán riêng lẻ cổ phiếu năm 2021 và trình cổ đông thông qua việc bổ sung ngành in ấn, cụ thể là dịch vụ in ấn, xuất bản bao bì.

Theo đó, Sao Ta chào bán riêng lẻ hơn 6,5 triệu cổ phiếu FMC, tương đương 11,11% số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Sau đợt chào bán, vốn điều lệ công ty sẽ tăng lên 653,8 tỷ đồng.

Chỉ có 1 nhà đầu tư và cũng là nhà đầu tư chiến lược tham gia đợt chào bán này là Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam.

Hiện, C.P Việt Nam sở hữu hơn 9,7 triệu cổ phiếu FMC (tương đương 16,56% vốn) và dự tính nâng tỷ lệ sở hữu tại công ty lớn trong ngành tôm Việt Nam lên xấp xỉ 16,3 triệu cổ phiếu, tương đương nắm giữ 24,9% vốn Sao Ta.

Sau khi có sự chấp thuận của Ủy ban chứng khoán Nhà nước, giao dịch này sẽ được thực hiện và được đặt mục tiêu trước quý I/2022. Lượng cổ phiếu chào bán riêng lẻ này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm, kể từ ngày hoàn tất giao dịch.

Trước đó, vào ngày 11/10/2021, C.P. Việt Nam trở thành cổ đông lớn của Sao Ta khi hoàn tất mua/nhận chuyển nhượng 4,3 triệu cổ phiếu FMC, tương đương 7,38% vốn.

Đến ngày 12/10, cổ đông lớn này báo cáo hoàn tất mua thêm 5,4 triệu cổ phiếu theo phương thức thoả thuận và nâng tỷ lệ sở hữu tại Sao Ta lên 16,56%. 

C.P tiếp tục đăng ký mua cổ phiếu Sao Ta để nâng tỷ lệ sở hữu lên 24,9% - Ảnh 1.

Công nhân tại nhà máy sơ chế tôm của Sao Ta (Ảnh: Sao Ta).

Toàn bộ số tiền thu được từ đợt chào bán riêng lẻ lần này sẽ dùng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, tăng năng lực tài chính và khả năng cạnh tranh cho Sao Ta.

Theo Ban lãnh đạo công ty, trong những năm qua, Sao Ta đã chủ động đầu tư xây dựng nhà máy mới nâng cao công suất cũng như mở rộng vùng nuôi để tăng tính chủ động về nguyên liệu đầu vào.

Do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, đặc biệt với làn sóng lần thứ 4 vừa qua, chuỗi sản xuất, nuôi tôm của công ty nói riêng đã bị gián đoạn, gây khó khăn trong hoạt động vận chuyển và xuất khẩu.

Vì vậy, việc huy động vốn được cho là cần thiết nhằm giảm thiểu tác động từ đại dịch và giúp Sao Ta nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Sao Ta đánh giá, người tiêu dùng sản phẩm tôm tại các thị trường lớn đang có thói quen mới như thích hàng thực phẩm tích hợp nhiều tiện ích, đóng gói phù hợp nhu cầu số đông.

Do thu nhập có hạn chế, người tiêu dùng sẽ quan tâm hơn với giá cả nên sản phẩm có giá cả vừa phải sẽ dễ tiêu thụ hơn.

Về phía doanh nghiệp, chi phí sản xuất sẽ tiếp tục xu thế tăng và không dừng lại mà chỉ có thể làm giảm tỉ lệ và tốc độ. Điều này buộc các doanh nghiệp phải luôn tìm phương án tối ưu hóa hoạt động nhằm tăng năng suất, giảm phế liệu và tiết kiệm.

Ngoài ra, việc hạn chế đi lại thời gian qua do thực thi Chỉ thị 16 khiến người nuôi tôm khó lòng tiếp cận các nguồn lực để thả nuôi tôm vụ hai.

Sự trầm lắng trong lĩnh vực nuôi tôm là điều cảnh báo sự thiếu hụt nguyên liệu cho chế biến ở thời gian còn lại trong năm, kéo theo giá cả tôm nguyên liệu sẽ tăng không ít.

Các nước có trình độ chế biến sâu con tôm như nước ta là Thái Lan, Indonesia đều bị tác động không tốt từ Covid-19.

Điều này khiến thiếu hụt khúc sản phẩm cao cấp, sẽ dẫn đến áp lực giao hàng những tháng cuối năm, dẫn đến giá cả mặt hàng này sẽ tăng mạnh hơn mức trung bình ngành.

Cùng với đó, nguồn cung tôm phạm vi toàn cầu sẽ giảm do tác động từ đại dịch, dẫn đến giá cả sắp tới sẽ tăng, nhất là sự thiếu hụt tôm cỡ lớn.

Về kết quả kinh doanh, luỹ kế 9 tháng, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu bán hàng 3.759 tỷ đồng và lãi ròng 176,5 tỷ đồng; tăng lần lượt gần 17% và 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính đến cuối tháng 9/2021, tổng tài sản của Sao Ta là 2.713 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với hồi đầu năm.


Hồng Phúc
Cùng chuyên mục