Bị áp thuế yến mạch 80,5%, Australia cũng điều tra hàng loạt sản phẩm Trung Quốc

29/05/2020 06:10 GMT+7
Australia được cho là đang tiến hành 3 cuộc điều tra chống bán phá giá nhắm đến sản phẩm nhôm, thép và giấy A4 từ Trung Quốc, một động thái làm nóng lên căng thẳng thương mại giữa hai quốc gia.
Bị áp thuế yến mạch 80,5%, Australia cũng điều tra hàng loạt sản phẩm Trung Quốc - Ảnh 1.

Căng thẳng thương mại Australia - Trung Quốc nóng lên trong những tuần qua

Mối quan hệ ngoại giao giữa Canberra và Bắc Kinh đã nóng lên trong những tuần gần đây khi Bắc Kinh áp thuế 80,5% với yến mạch Úc và đình chỉ nhập khẩu bò Úc từ 4 công ty chế biến thịt hàng đầu Australia. 

Loạt động thái đến ngay sau khi Canberra kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc dịch Covid-19, làm dấy lên mối nghi ngờ về sự trả đũa của Bắc Kinh. Việc chính phủ Australia kêu gọi điều tra nguồn gốc dịch Covid-19 trong bối cảnh làn sóng chỉ trích quốc tế hướng đến Bắc Kinh trong vụ để bùng phát dịch bệnh ngày càng tăng lên đã khiến phía Trung Quốc nổi giận. Canberra sau đó nhấn mạnh lời kêu gọi điều tra nguồn gốc đại dịch không mang mục đích chính trị, nhưng rõ ràng điều đó không làm vơi bớt sự giận dữ của Bắc Kinh.

Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn tuyên bố cuộc điều tra bán phá giá sản phẩm yến mạch Úc đã được tiến hành kỹ lưỡng mà không nhằm mục đích trả đũa. Ông này cũng liệt kê hơn 100 lần phía Australia điều tra và đưa ra các vụ kiện chống bán phá giá với Trung Quốc kể từ năm 1970 đến nay, khi quan hệ ngoại giao song phương Australia - Trung Quốc bắt đầu. Trong đó, có 3 vụ điều tra chống bán phá giá đã được tiến hành trong năm 2020.

Phản ứng trước tuyên bố của ông Chung Sơn, Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham cho biết các cuộc điều tra của Canberra nhằm đảm bảo môi trường thương mại lành mạnh chứ không phải một hình thức trả đũa thương mại.

Được biết, hồi tháng 2, Ủy ban chống bán phá giá Australia đã bắt đầu cuộc điều tra chống bán phá giá đầu tiên trong năm 2020 nhằm vào mặt hàng máy ép nhôm do các công ty Trung Quốc Jiangshen Aluminium và Zhongya (Quảng Đông) phân phối. Vụ điều tra được tiến hành sau khi công ty Australia Aluminium Shapemakers hay còn gọi là Alushapes cáo buộc doanh số bán hàng của họ giảm mạnh do hoạt động bán phá giá của các công ty Trung Quốc kể trên.

Vào tháng 3, Ủy ban chống bán phá giá Australia tiếp tục mở cuộc điều tra thứ hai về sản phẩm ống thép giá rẻ từ các thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc. Nhà sản xuất Orrcon, công ty con của hãng thép hàng đầu Australia BlueScope Steel đã lên tiếng cáo buộc các sản phẩm thép nhập khẩu được bán với giá thấp hơn giá sản xuất thông thường.

Mới đây nhất, hồi tháng 4, Ủy ban này cũng xem xét điều tra chống bán phá giá với giấy in A4 từ Trung Quốc, Brazil, Indonesia và Thái Lan.

Từ lâu, các sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc đã lọt vào tầm ngắm của Ủy ban chống bán phá giá Australia do nghi ngờ nhận được trợ cấp của chính phủ Bắc Kinh. Và giờ đây, điều này được phía Bắc Kinh sử dụng như một lập luận cáo buộc Canberra đang cố châm ngòi cho mâu thuẫn thương mại giữa hai quốc gia.

Simon Lacey, giảng viên cao cấp về thương mại quốc tế tại Đại học Australia nhận định: “Bộ trưởng Birmingham đã bảo vệ việc Australia tiến hành các cuộc điều tra chống bán phá giá. Nhưng việc Ủy ban chống bán phá giá thường xuyên nhằm vào Trung Quốc đã làm dấy lên câu hỏi rằng chính phủ Australia có nên tiếp tục bảo hộ một số ngành công nghiệp ít khả năng cạnh tranh không”.

“Chúng ta nên biết rằng nhiều công ty Trung Quốc đang hoạt động với quy mô lớn đến mức thu về lợi thế cạnh tranh thông qua quy mô sản xuất mà không công ty nào bắt kịp. Điều đó cho phép họ thu về lợi nhuận. Tất nhiên, như thế không có nghĩa là các công ty Trung Quốc không tham gia bán phá giá. Nhiều doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc hiện đang nhận được sự hỗ trợ lớn từ Bắc Kinh” - ông Lacey nói thêm.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục