Đà bán tháo cuối tuần qua của chứng khoán Mỹ thực chất là tin tốt?
Fear and Greed Index (FGI), một chỉ số đo lường cảm tính thị trường được quan sát bởi CNN cho thấy dấu hiệu nỗi sợ hãi đang tăng lên mức kỷ lục trong giới đầu tư. Có 4 trên tổng số 7 chỉ báo được theo dõi trong chỉ số này cho thấy tín hiệu giảm giá.
Trong khi đó, nhu cầu về trái phiếu chính phủ như một tài sản trú ẩn an toàn đang tăng lên. Xu hướng này khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm rơi xuống dưới mức 1,3%, giảm mạnh so với mức 1,75% hồi tháng 3.
Trên thị trường, số lượng các công ty có giá cổ phiếu chạm mức thấp nhất trong 52 tuần gần nhất đang tăng lên. Khối lượng giao dịch cổ phiếu cũng giảm mặc dù sự vững mạnh của các cổ phiếu Big Tech đã giúp ổn định phần nào thị trường chung.
Có một số lý do chính đáng khiến nhà đầu tư lo lắng.
Mặc dù nền kinh tế Mỹ nhìn chung đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch thúc đẩy lợi nhuận doanh nghiệp phục hồi, nhưng biến chủng virus Delta vẫn đang lây lan và còn một lượng lớn người Mỹ chưa được tiêm chủng.
Ngay chính trong sự phục hồi kinh tế cũng có nhiều dấu hiệu trái ngược. Trong khi doanh số bán lẻ tăng mạnh trong tháng 6 theo báo cáo chính thức, một phân tích khác cho thấy niềm tin tiêu dùng đã giảm đi đáng kể.
Việc giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng liên tục tăng cao cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo lạm phát, dù rằng các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Fed mà dẫn đầu là Thống đốc Jerome Powell đã nhiều lần trấn an thị trường rằng sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng chừng nào thị trường việc làm trở về tình trạng toàn dụng lao động và nền kinh tế phục hồi vững chắc.
Một số chuyên gia thì lạc quan hơn khi cho rằng sự hoài nghi của thị trường là hoàn toàn lành mạnh. Bởi sự vắng mặt của những lo lắng như vậy thường có nguy cơ dẫn đến làn sóng đầu cơ quá mức và bong bóng trên thị trường chứng khoán.
Kelly Bogdanova, phó chủ tịch nhóm cố vấn danh mục đầu tư tại RBC Wealth Management nhận định: “Tôi muốn thấy mọi người sợ hãi hơn là tự mãn. Việc các nhà đầu tư lo lắng không có gì là không tốt”. Theo bà Bogdanova, thị trường chứng khoán Mỹ giờ đang bước vào giai đoạn điều chỉnh, và thay vì tăng trưởng bùng nổ, tình huống sẽ là “tiến hai bước và lùi một bước”. Nhìn chung, bà này cho rằng sự sụt giảm gần đây của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ thực sự có thể coi là một dấu hiệu đáng khích lệ cho nhà đầu tư, bởi nếu thị trường trái phiếu thực sự lo sợ lạm phát, lợi suất sẽ tăng thay vì giảm. Trong đa số các trường hợp, lạm phát thường dẫn đến sự tăng vọt lợi suất kho bạc. Tức là nhìn chung, nhà đầu tư trái phiếu có vẻ tin tưởng vào quan điểm của Chủ tịch Fed Jerome Powell rằng lạm phát chỉ là vấn đề nhất thời của nền kinh tế.
Steve Wyett, chiến lược gia đầu tư của BOK Financial đồng quan điểm khi nhận định: “Thị trường trái phiếu đang đưa ra thông điệp rằng những lo ngại về lạm phát không phải là vấn đề dài hạn”.
Một tin tốt khác là lợi nhuận doanh nghiệp của Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục tăng. Theo FactSet, các nhà phân tích kỳ vọng lợi nhuận doanh nghiệp tăng khoảng 24% trong quý III và 19% trong quý IV/2021 trước khi tăng chậm lại bình quân 11% trong năm 2022. Việc lợi nhuận doanh nghiệp tăng lên sẽ thúc đẩy các công ty tăng lương để thu hút người lao động trở lại với công việc, qua đó kích thích sự phục hồi của khu vực kinh tế tư nhân nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung.