Chứng khoán Mỹ sẽ còn tăng rực rỡ trong 3-5 năm tiếp theo

12/07/2021 11:31 GMT+7
Tờ MarketWatch nhận định thị trường chứng khoán Mỹ hiện đang ở trong giai đoạn đầu tăng trưởng, và sẽ còn tăng trong chu kỳ khoảng 3-5 năm tiếp theo do hàng loạt nguyên nhân dưới đây.

Nhu cầu dồn nén trên thị trường

Trọng tâm chú ý của thị trường lúc này là các tín hiệu chính sách tiền tệ từ Cục Dự trữ Liên bang Fed. Tuy nhiên, Fed có vẻ đang đánh giá thấp nhu cầu rất lớn từ khu vực tư nhân, theo ông Jim Paulsen, chiến lược gia và nhà kinh tế trưởng tại Leuthold Group. Ông Paulsen cho hay khu vực tư nhân của Mỹ có tiềm năng thúc đẩy tăng trưởng GDP nền kinh tế lớn nhất thế giới lên 8% trong năm 2021 và duy trì ở mức 3,5-4,5% trong những năm tiếp theo do nhu cầu bị dồn nén.

Đầu tiên, xét từ góc độ nhân khẩu học, thế hệ millennials (26-40 tuổi) đang bước vào thời kỳ lập gia đình, điều này giải thích sự tăng mạnh nhu cầu bất động sản nhà ở cũng như đồ dùng gia đình. Nhu cầu tiêu dùng tiềm năng là rất lớn.

Thứ hai, từ góc độ kinh tế học, người tiêu dùng Mỹ đang nắm giữ lượng tiền mặt lớn trong bối cảnh cuộc khủng hoảng đại dịch và các biện pháp phong tỏa xã hội được áp dụng nhiều tháng qua kìm nén nhu cầu tiêu dùng. Thêm vào đó, các gói kích thích của chính phủ, bao gồm hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho hộ gia đình cũng khiến tiền mặt tràn ngập nền kinh tế. Tỷ lệ tiết kiệm cá nhân đạt gần 16% GDP vào năm ngoái, cao hơn đáng kể mức kỷ lục 10% được ghi nhận năm 1970. Tỷ lệ nợ trên thu nhập thấp nhất kể từ năm 1990 khi niềm tin tiêu dùng tăng lên do thị trường lao động phục hồi mạnh mẽ.

Chứng khoán Mỹ sẽ còn tăng rực rỡ trong 3-5 năm tiếp theo - Ảnh 1.

Chứng khoán Mỹ sẽ còn tăng rực rỡ trong 3-5 năm tiếp theo? (Ảnh: Reuters)

Về phía các doanh nghiệp, để chuẩn bị cho thời kỳ khủng hoảng kéo dài, các doanh nghiệp Mỹ đã cố gắng giảm mạnh lượng hàng tồn kho nhằm đảm bảo dòng tiền. Tuy nhiên, khi nền kinh tế phục hồi mạnh kéo theo nhu cầu tăng trưởng, điều cấp thiết là lấp đầy kho dự trữ hàng hóa. Kỳ vọng phục hồi kinh tế cũng thúc đẩy đầu tư cố định tăng lên mức kỷ lục 23%, điều này là minh chứng phản ánh tâm lý kinh doanh lạc quan cũng như tạo động lực cho sự tăng trưởng bền vững trong tương lai.

Các nhà phân tích dự báo Mỹ sẽ đạt tăng trưởng GDP 7-8% trong năm nay và 4-4,5% trong năm 2022. Điều này cũng sẽ là yếu tố quan trọng hỗ trợ đà tăng bền vững trên thị trường chứng khoán Mỹ.

Triển vọng lợi nhuận c

Đà phục hồi của kinh tế Mỹ đang diễn ra quá nhanh, vượt qua mọi dự báo của các nhà phân tích. Cụ thể, các chuyên gia phố Wall dự báo lợi nhuận bình quân 190 USD/cp trong danh mục S&P 500 năm nay. Tuy nhiên, con số này bị đánh giá là khá thấp trong bối cảnh kinh tế Mỹ có tiềm năng tăng trưởng dự kiến 7-8% và các gói chi tiêu chính phủ khổng lồ như Kế hoạch việc làm cho nước Mỹ hay Kế hoạch gia đình Mỹ vẫn còn ở phía trước.

Ông Jim Paulsen dự báo lợi nhuận bình quân lên tới 220 USD/cp trong danh mục S&P 500 năm nay. “Các nhà phân tích vẫn đang đánh giá thấp mức lợi nhuận được cải thiện. Chúng ta đang chứng kiến phản ứng chính sách nới lỏng từ các quan chức. Họ đã giải quyết đà suy thoái kinh tế với sự cải thiện lớn trong chính sách. (Chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng) vẫn đang tiếp tục trong bối cảnh lợi nhuận phục hồi”.

Thêm vào đó, Tân Tổng thống Joe Biden đang nỗ lực thúc đẩy các gói kích thích tài khóa mới trị giá hàng nghìn tỷ USD dưới hình thức chi tiêu cơ sở hạ tầng, cụ thể là Kế hoạch việc làm cho nước Mỹ.

Động lực từ Fed

Trong ba thập kỷ qua, Fed đã thắt chặt chính sách tiền tệ để ngăn chặn lạm phát, khiến tăng trưởng kinh tế của Mỹ rơi xuống mức chậm nhất thời kỳ hậu chiến trong suốt 2 thập kỷ. Nhưng cuộc khủng hoảng đại dịch đã thúc đẩy cơ quan này thay đổi lập trường với chính sách tiền tệ nới lỏng chưa từng có. Lãi suất cơ bản đang ở mức tiệm cận 0 kèm theo chương trình nới lỏng định lượng trị giá 120 tỷ USD hàng tháng. Các tín hiệu từ Fed gần đây cho thấy Ngân hàng Trung ương Mỹ nhiều khả năng sẽ không vội vàng thắt chặt chính sách tiền tệ chừng nào thị trường lao động chưa trở lại mức toàn dụng, do lạm phát dự kiến sẽ không phải vấn đề dài hạn của nền kinh tế.

Lạm phát không dập tắt tăng trưởng

Những chỉ số lạm phát đang tăng nóng trong ngắn hạn khi nền kinh tế phục hồi với tốc độ vượt dự báo sau đại dịch. Tuy nhiên, các quan chức Fed lạc quan rằng trong trung và dài hạn, lạm phát cuối cùng sẽ dịu đi khi thương mại và cạnh tranh toàn cầu tăng cao thúc đẩy áp lực giảm giá hàng hóa để cạnh tranh với dòng chảy hàng hóa giá rẻ ở nước ngoài. Những tiến bộ công nghệ cũng góp phần tạo sức ép giảm giá với các sản phẩm công nghệ.


NTTD
Cùng chuyên mục