Dabaco góp 100 tỷ lập công ty nuôi lợn giống tại Thanh Hóa

05/10/2021 16:43 GMT+7
Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) vừa thông qua kế hoạch thành lập Công ty TNHH Dabaco Thanh Hoá với vốn điều lệ 100 tỷ đồng, địa chỉ ở Thanh Hóa.

Công ty TNHH Dabaco Thanh Hoá hoạt động chính trong lĩnh vực chăn nuôi lợn và sản xuất giống lợn. Dự án này được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 3/2020 có địa chỉ cụ thể tại Khu Cống Hang, xã Thạch Tượng, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hoá.

Dabaco góp vốn 100 tỷ đồng thành lập công ty nuôi lợn tại Thanh Hóa - Ảnh 1.

Hội đồng thành viên đại diện vốn góp của Dabaco tại công ty Dabaco Thanh Hóa. Ảnh: Dabaco

Dự án có tổng mức đầu tư khoảng trên 654 tỷ đồng. Thời hạn thuê đất 50 năm, khởi công xây dựng vào tháng 9/2021 và hoàn thành đi vào hoạt động tháng 11/2023.

Công suất thiết kế chăn nuôi khoảng 5.600 con lợn nái/năm; cung cấp ra thị trường khoảng 69.500 con lợn giống/năm, 9.800 con lợn hậu bị/năm, 77.400 con lợn thương phẩm/lứa.

Diện tích đất thực hiện dự án khoảng 521.000 m2, gồm khu chuồng nuôi 2.400 con lợn nái (15.090,5 m2); khu chuồng nuôi 3.200 con lợn nái (19.329,8 m2); khu chuồng lợn thương phẩm (96.731,7 m2); khu phụ trợ (111.644,9 m2); các công trình hạ tầng kỹ thuật, cây xanh và đất dự trữ (273.483,3 m2).

Sơ lược về kết quả kinh doanh, tại cuộc họp đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh ngày 1/10, Dabaco cho biết doanh thu quý 3/2021 ước đạt 4.133 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ ước đạt 138 tỷ đồng, giảm đến 64% so với cùng kỳ năm trước, là mức lợi nhuận theo quý thấp nhất kể từ quý 4/2019.

Theo đó, lũy kế 9 tháng, DBC ước đạt 13.669 tỷ đồng doanh thu, tăng 85% so với cùng kỳ năm 2020 nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 37%, ước đạt chỉ còn 718 tỷ đồng.

Công ty cho biết, tình hình kinh tế xã hội quý 3 phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát từ tháng 5 và lan rộng ra hầu hết các tỉnh, thành cả nước.

Nhiều địa phương trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội làm ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng - sản xuất - chế biến - tiêu thụ; các hoạt động giao thương, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm bị hạn chế và đình trệ.

Dịch bệnh cũng làm phát sinh thêm nhiều khoản chi phí cho các doanh nghiệp như chi phí vận chuyển, xét nghiệm Covid-19, chi phí do thực hiện phương án "3 tại chỗ" để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người lao động nằm trong khu cách ly, phong tỏa không tham gia sản xuất; chi phí tăng ca do thiếu hụt lao động nghỉ dịch và bố trí sản xuất đảm bảo giãn cách, phòng chống dịch…


An Vũ
Cùng chuyên mục