Đại dịch Covid-19 khiến loạt đại công ty lộ điểm yếu

03/04/2020 13:36 GMT+7
Các “ông lớn” từ FedEx đến Facebook đều nhận ra rằng kinh doanh nhiều hạng mục không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với lợi nhuận tăng mạnh, nhất là trong giai đoạn đại dịch bùng nổ.
Đại dịch Covid-19 khiến loạt đại công ty lộ điểm yếu - Ảnh 1.

Đại dịch virus corona đang tác động trực tiếp đến các thức kinh doanh của nhà bán lẻ, các công ty sản xuất tiêu dùng và công ty vận chuyển do người tiêu dùng thay đổi phong cách sống để thích ứng với giai đoạn mắc kẹt ở nhà. Các công ty buộc phải chi nhiều tiền hơn nhằm đáp ứng nhu cầu mới trong khi nhiều hình thức kinh doanh mang lại lợi nhuận trước đó không còn hiệu quả. Các nhà bán lẻ trả nhiều lương hơn cho nhân viên thu ngân và nhân viên siêu thị để họ có thể bán nhiều hơn giấy vệ sinh, nước uống và nhu yếu phẩm.

Nhà sản xuất nhu yếu phẩm trong nhà như Colgate-Palmolive và Procter & Gamble thông báo bán chạy các sản phẩm lau rửa, trong khi sản phẩm làm đẹp không mang lại nhiều lợi nhuận. Tỉ lệ người truy cập Facebook và các ứng dụng của công ty này tăng cao, nhưng không mang lại lợi nhuận từ quảng cáo. Amazon được chú ý hơn cả khi trở thành địa chỉ mua sắm chính của nhiều người do các cửa hàng bị buộc phải đóng cửa đến mức công ty này phải thuê thêm hàng nghìn nhân viên và chi trả hàng trăm triệu USD cho nhân viên làm thêm giờ.

Các công ty vận chuyển như FedEx và United Parcel Service tăng cường vận chuyển hàng hóa. Tỷ lệ giao hàng đến nhà tăng 7,2%, nhưng vận chuyển đến doanh nghiệp giảm 3% trong 3 tuần đầu tháng Ba. BMO Capital Markets dự đoán hình thức vận chuyển từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp có thể giảm đến 25% trong các tháng sắp tới. Vận chuyển đến hộ gia đình tuy nhiên không mang lại nhiều lợi nhuận do lái xe phải dừng lại ở nhiều địa điểm trong khi vận chuyển ít hàng hóa hơn.

Một số nhân viên FedEx có thể sẽ buộc phải nghỉ việc nếu lượng hàng hóa vận chuyển xuyên quốc gia, xuyên lục địa ngày càng giảm. Đại diện công ty cho biết tác động của đại dịch tới mỗi vị trí vận chuyển là khác nhau, tùy thuộc vào địa điểm, lệnh của chính phủ địa phương và loại hình kinh doanh họ phục vụ, phần lớn là thương mại và cá nhân.

Procter & Gamble thông báo không thể sản xuất kịp giấy vệ sinh, trong khi nhu cầu với các sản phẩm khác như xà phòng và giấy lau cũng tăng vọt. Cổ phiếu của P&G, Colgate Palmolive và Kimberly-Clark giảm ít hơn so với thị trường nói chung, nhưng theo chuyên gia kinh tế, điều này sẽ nhanh chóng thay đổi khi người tiêu dùng ngừng mua quá nhiều các sản phẩm làm sạch của những công ty này nhằm tích trữ. Doanh số bán giấy vệ sinh ở Mỹ trong 4 tuần gần đây tăng gấp đôi so với cùng kì năm ngoái, theo Nielsen, trong khi khăn giấy và xà phòng tăng 80%, các sản phẩm lau rửa khác tăng 150%, xà phòng tắm tăng 200%. P&G có thể sẽ chịu nhiều tổn thất từ suy thoái kinh tế kéo dài do giá thành các sản phẩm của công ty này cao hơn. Đại diện P&G thông báo công ty này đã chuẩn bị tinh tình cho viễn cảnh ảm đạm của nền kinh tế bằng cách hạ giá thành nhiều sản phẩm trong thời gian sắp tới.

Các cửa hàng dược mĩ phẩm cũng chứng kiến lượng đơn hàng online tăng chóng mặt, nhất là với các sản phẩm dược phẩm, tuy nhiên các sản phẩm khác không được chú ý đến, vì vậy nói chung không mang lại nhiều lợi nhuận. Các chuỗi cửa hàng dược mỹ phẩm lớn như Watson, Boots hay Sephora buộc phải cho nhiều nhân viên bán hàng nghỉ việc hỗ trợ một phần lương. Nhiều chuỗi cửa hàng ăn nhanh như Mc Donald, KFC hay Pizza Hut hiện tập trung hoàn toàn vào tiếp nhận đơn đặt hàng trên mạng và mô hình bán hàng drive-through, nơi người mua hàng hoàn toàn đặt hàng và nhận hàng trên xe hơi, nhằm tránh tiếp xúc trực tiếp.

Vân Anh
Cùng chuyên mục