Đắk Lắk: 10 doanh nghiệp lớn cam kết dự trữ hàng hóa phục vụ Tết với trị giá hơn 271 tỷ đồng
Theo ông Trần Trọng Lưu, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk, để đáp ứng nhu cầu mua sắm dịp cuối năm của người dân hiện đã có 10 doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh cam kết dự trữ hàng hóa thiết yếu với tổng trị giá hơn 271 tỷ đồng.
Các mặt hàng bình ổn chủ yếu gồm: gạo, thịt lợn, thịt gia cầm, trứng gia cầm, dầu ăn, bột ngọt và các loại thực phẩm chế biến, rau củ quả, nhiên liệu, bánh kẹo mứt…
Qua khảo sát thực tế, trong 1 tháng vào dịp Tết dự kiến người dân Đắk Lắk cần 18.000 tấn gạo tẻ và gạo nếp, 3.600 tấn thịt lợn, 2.700 tấn rau củ quả, 1.260 tấn thủy hải sản,… Theo tính toán, lượng hoàng hóa dự trữ của các doanh nghiệp, siêu thị lớn trên địa bàn với trị giá hơn 271 tỷ đồng sẽ đáp ứng khoảng 18% nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk đã trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt Kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu dịp cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Việc xây dựng kế hoạch nhằm sớm triển khai các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân trong dịp Tết trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, kích cầu tiêu dùng, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh phát triển, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Trước tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk đã yêu cầu các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vừa dự trữ nguồn hàng, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch trong quá trình sản xuất kinh doanh theo quy định của Bộ y tế.
Qua các đợt giãn cách xã hội trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cho thấy, nhiều thời điểm, người dân đổ xô đi chợ hoặc siêu thị mua sắm hàng hóa dự trữ. Do đó, Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk khuyến cáo, người dân không ồ ạt đi mua sắm hàng hóa để dự trữ dịp Tết sẽ dẫn đến khan hiếm hàng vào một thời điểm, tạo cơ hội cho gian lái, gian thương đẩy giá hàng hóa lên cao.